Chính phủ dự kiến trình Quốc hội 63 tài liệu, báo cáo
Thủ tướng cho biết tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội khóa XV 63 tài liệu, báo cáo, trong đó có 37 luật, nghị quyết.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật lần thứ 2 trong tháng 4.2025. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày 18.4, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật lần thứ 2 trong tháng 4.2025, thảo luận nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị trình Quốc hội.
Theo chương trình, phiên họp thảo luận, cho ý kiến về 5 dự án luật gồm:
1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
2. Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).
3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
5. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Các dự án luật này có ý nghĩa quan trọng trong hoàn thiện quy hoạch phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển mới cho từng địa phương, khu vực; tăng cường phân cấp, phân quyền về quản lý tài chính cho các địa phương.
"1 luật sửa 7 luật" để tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi; thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn và minh bạch; hoàn thiện khung khổ pháp lý để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiệu quả, an toàn, phù hợp với thực tiễn.
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: VGP
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội khóa XV 63 tài liệu, báo cáo, trong đó có 37 luật, nghị quyết quy phạm. Đây là số lượng văn bản lớn, quan trọng, có tác động sâu rộng.
Thời gian từ nay đến khai mạc Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội XV (dự kiến ngày 5.5.2025) không còn nhiều nhưng khối lượng công việc cần chuẩn bị rất lớn, nhiệm vụ rất nặng nề, phạm vi rộng, yêu cầu rất cao, tính chất rất phức tạp.
Từ đầu năm tới nay, Chính phủ đã tổ chức 4 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 24 dự án luật, nghị quyết quan trọng. Tuần trước, Chính phủ đã tổ chức họp chuyên đề pháp luật, xem xét, cho ý kiến đối với 6 dự án luật, nghị quyết.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phiên họp này xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 5 dự án luật quan trọng nhằm tạo bước đột phá trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực, giải phóng sức sản xuất, tạo ra động lực mới cho sự phát triển.
Với tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa", Thủ tướng Chính phủ nêu rõ đây là những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng trong bối cảnh tình hình diễn biến rất nhanh, đòi hỏi phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, đổi mới tư duy, cách tiếp cận, phương pháp luận để giải quyết vấn đề.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu tháo gỡ vướng mắc về thể chế, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, cắt giảm thủ tục rườm rà, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
Những gì doanh nghiệp và người dân làm tốt hơn thì thiết kế quy định để người dân và doanh nghiệp làm; đẩy mạnh số hóa và bảo đảm an toàn, an ninh mạng để giảm tiếp xúc trực tiếp, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
https://laodong.vn/thoi-su/chinh-phu-du-kien-trinh-quoc-hoi-63-tai-lieu-bao-cao-1493285.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)