Đề nghị Chính phủ đánh giá tác động chính sách của 1 luật sửa đổi, bổ sung 7 luật
Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình và bổ sung đánh giá tác động chính sách để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh đề nghị đánh giá tác động chính sách để Quốc hội xem xét, quyết định. Ảnh: Quochoi.vn.
Ngày 25.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản pháp luật về đầu tư, tài chính, ngân sách đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên cần được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, Chính phủ đã khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các Luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách và xác định 7 Luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật hiện hành, gồm: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trong đó, đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, dự thảo Luật sửa đổi các quy định về: Chính sách ưu tiên, ưu đãi trong đấu thầu để hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; bổ sung quy định về đấu thầu trong nước, đấu thầu quốc tế;
Đồng thời, bổ sung, mở rộng các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu, dự án cần bảo đảm lợi ích quốc gia hoặc có yêu cầu đặc thù về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ.
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, dự thảo Luật sửa đổi quy định liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua việc triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Bãi bỏ quy định về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước; bãi bỏ một số cụm từ để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với nội dung, phạm vi điều chỉnh của Luật; sửa đổi những nội dung về sắp xếp, tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung các luật theo Tờ trình của Chính phủ. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với quy trình thủ tục rút gọn.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình và bổ sung đánh giá tác động chính sách để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
Về các nội dung cụ thể, ông Lê Quang Mạnh lưu ý cơ quan soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan có liên quan để rà soát, bảo đảm tính thống nhất giữa các luật liên quan, các thuật ngữ mới về khoa học, công nghệ... và điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm tính thống nhất.
https://laodong.vn/thoi-su/de-nghi-chinh-phu-danh-gia-tac-dong-chinh-sach-cua-1-luat-sua-doi-bo-sung-7-luat-1496886.ldo
CAO NGUYÊN (BÁO LAO ĐỘNG)