Thời sự
Cập nhật lúc 04:52 14/05/2025 (GMT+7)
Đề xuất tăng số lượng phó chủ tịch UBND tỉnh sau sáp nhập

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đề xuất tăng số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, (HĐND), phó chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh sau sáp nhập.

Đề xuất tăng số lượng cấp phó

Sáng 14.5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hiện nay trong luật không nêu quy định về cơ cấu, số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sáp nhập các tỉnh, có tỉnh mới được thành lập từ 2 hay 3 tỉnh cũ nhập lại nên diện tích rất lớn, quy mô dân số tăng, ông Hòa kiến nghị tăng số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh để đảm bảo công tác quản lý, vận hành.

đại biểu
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đề xuất tăng số lượng phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh sau sáp nhập. Ảnh: Quochoi.vn

"Đề nghị Chính phủ có nghiên cứu, tính toán, về quy mô dân số, diện tích. Khả năng sắp tới phải tăng lên 4, 5 người vì tỉnh to, trong công tác điều hành, đặc biệt cấp phó, họ rất nhiều việc. Tăng thêm người để thực hiện quyền điều hành, tôi cho rằng là cần thiết" - ông Hòa phân tích.

Lo ngại chính quyền cấp xã đẩy việc lên chính quyền cấp tỉnh

Tại Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), điểm g, khoản 2 Điều 11 quy định:

"Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp huyện; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp tỉnh; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở trung ương, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội có quy định khác".

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng, quy định này dễ dẫn đến việc chính quyền cấp xã đẩy việc lên chính quyền cấp tỉnh, chính quyền cấp tỉnh đẩy việc lên Trung ương mà không chịu tự giải quyết ngay từ đầu, không phát huy tính chủ động trong phục vụ nhân dân, không thể hiện mục tiêu luật là xây dựng chính quyền gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. Ảnh: Quochoi.vn

Lấy ví dụ từ thực tế, ông Dũng đưa ra tình huống, 2 xã giáp nhau nhưng thuộc địa giới 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh, khi có vấn đề liên quan đến nhau, ví dụ khói bụi bay từ xã này sang xã kia, kè sông của xã này gây sạt lở bờ sông của xã kia, việc xả thải chất thải chăn nuôi của người dân xã này ảnh hưởng đến người dân xã kia,… sẽ phải đưa lên cơ quan trung ương để giải quyết tùy thuộc thẩm quyền, lãnh thổ của 2 tỉnh.

"Nếu những việc như thế phải đưa lên cơ quan nhà nước Trung ương xử lý như dự thảo Luật quy định sẽ rất phức tạp, như tốn kém thời gian, nhiều trình tự, thủ tục, phải huy động nhiều cơ quan, tổ chức đoàn thể tham gia. Trong khi những việc này, chính quyền 2 xã, chính quyền 2 tỉnh có thể giải quyết được" - ông Dũng đặt vấn đề.

Từ thực tiễn này, Đại biểu Quốc hội đề nghị có biện pháp giải quyết đơn giản hơn theo phương châm địa phương quyết, địa phương thực hiện, địa phương chịu trách nhiệm.

"Đề xuất bổ sung quy định loại trừ vào điểm này là “trừ trường hợp các địa phương liên quan tự giải quyết được vấn đề đó”.

Nếu việc đơn giản mà chính quyền địa phương tự giải quyết được ngay từ đầu thì rất ổn định tình hình, không phải theo quy định của Luật là cứ phải đưa lên trung ương ngay vì liên quan đến địa bàn hành chính của 2 tỉnh" - ông Dũng nói.

https://laodong.vn/thoi-su/de-xuat-tang-so-luong-pho-chu-tich-ubnd-tinh-sau-sap-nhap-1506606.ldo

Vân Trang (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: