Đề xuất TPHCM thành lập thêm 4 thành phố mới
TPHCM - Từ nay đến 2030, thành phố cần thành lập 1 - 2 thành phố mới. Sau năm 2030, nâng cấp huyện Củ Chi và Cần Giờ thành thành phố trực thuộc.
Đề xuất trên được TS Trần Du Lịch đưa ra tại hội thảo khoa học "Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Vấn đề đặt ra cho TPHCM và Đông Nam Bộ", ngày 23.12.
Theo TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98, thay vì chuyển đổi các huyện thành quận, TPHCM nên định hướng tổ chức các huyện đủ điều kiện thành các thành phố trực thuộc.
Trong giai đoạn từ nay đến đầu năm 2030, thành phố cần nghiên cứu tổ chức thêm 1 - 2 thành phố mới.
Sau năm 2030, huyện Củ Chi và Cần Giờ có thể nâng cấp thành thành phố trực thuộc. Như vậy, toàn TPHCM sẽ bao gồm một đô thị trung tâm và 5 thành phố vệ tinh: Thủ Đức (phía Đông), Tây, Nam, Bắc và đô thị sinh thái biển Cần Giờ.
Bên cạnh đó, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung thực hiện các dự án giao thông chiến lược.
Thành phố cần hoàn thành các tuyến đường Vành đai 2, 3 và 4, đồng thời triển khai trục giao thông Bắc - Nam cũng như tuyến đường ven sông Sài Gòn theo quy hoạch.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2025 - 2026, TPHCM cần ưu tiên xử lý các điểm nghẽn tại các cửa ngõ như Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 1 và Quốc lộ 50.
TS Trần Du Lịch nhấn mạnh rằng, hệ thống giao thông đường bộ, cả đối nội lẫn đối ngoại, cần được hoàn thiện trước năm 2030 để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.
Về giao thông đường sắt, thành phố cần triển khai đúng tiến độ hệ thống đường sắt đô thị, với mục tiêu hoàn thành khoảng 355 km vào năm 2035.
Song song đó, cần thực hiện tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ và nghiên cứu phương án kết nối Cần Giờ với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Việc kết nối tuyến đường sắt đô thị từ ga Thủ Thiêm đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cũng cần được chú trọng nhằm đảm bảo liên kết vùng hiệu quả và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Theo ông Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, trước năm 2023, thành phố chưa có tuyến vành đai nào. Hiện nay, kế hoạch hoàn chỉnh Vành đai 2, xây dựng Vành đai 3 và trình dự án Vành đai 4 trong 5 năm tới đang được thúc đẩy.
Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã khai thác thương mại, đồng thời TPHCM đang hướng tới hoàn thiện thêm 7 tuyến metro khác.
Ngoài giao thông, TPHCM cũng quyết tâm giải quyết bài toán xóa nhà ven kênh rạch, đẩy mạnh chuyển đổi số và kết nối với các viện, trường đại học hàng đầu thế giới để huy động nguồn lực chất lượng cao.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, trong kỷ nguyên mới, TPHCM xác định phải đóng vai trò “đội hình chính, đá tiền đạo” trong chiến lược phát triển của cả nước. Thành phố không thể phát triển đơn lẻ mà cần đặt trong bối cảnh chung của Đông Nam Bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Mãi cho rằng, các khái niệm như cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hay kinh tế số được nhắc nhiều nhưng thiếu lộ trình để hiện thực hóa. Do đó, điều cốt lõi là phải xác định được các trụ cột, bước đi và kết quả cần đạt theo từng mốc thời gian.
https://laodong.vn/xa-hoi/de-xuat-tphcm-thanh-lap-them-4-thanh-pho-moi-1439640.ldo
MINH QUÂN (báo lao động)