Thời sự
Cập nhật lúc 07:33 24/05/2025 (GMT+7)
Đến ngày 15.8, các địa phương phải sắp xếp xong tổ chức, bộ máy

Dự kiến sau khi Hiến pháp 2013 (sửa đổi) và một số Nghị quyết của Quốc hội được thông qua, đến 15.8.2025, các địa phương phải sắp xếp xong tổ chức, bộ máy.

Lộ trình triển khai tổ chức, tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính là những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận tại tổ ngày 23.5 (Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV).

Phát biểu tại tổ số 13, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, hiện người dân đang rất mong đợi việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương cùng một số luật liên quan tới sắp xếp, tổ chức bộ máy.

"Hiện các đồng chí lãnh đạo các địa phương vắng mặt ở một số cuộc họp tại hội trường, họp tổ để về địa phương họp thường vụ, để tính việc sáp nhập tỉnh, xã", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, giữa tháng 6.2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua các nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời trình Quốc hội việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh vào ngày 24.6. Các nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025.

"Sẽ có thời gian chuyển tiếp là 1,5 tháng. Tới ngày 15.8.2025, các địa phương phải sắp xếp xong tổ chức, bộ máy.

Đây là những nội dung hết sức quan trọng, liên quan tới việc quản lý, chỉ đạo, điều hành lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của chúng ta. Phải làm sao để đảm bảo tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Riêng trong năm 2025 phải tăng trưởng 8% trở lên", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay.

Chủ tịch Quốc hội T
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá việc sắp xếp bộ máy, tổ chức đang được người dân rất quan tâm. Ảnh: Tô Thế

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đánh giá, 4 tháng đầu năm 2025, điểm nổi bật nhất là kinh tế vĩ mô của nước ta ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Trong đó, tỉ giá được giữ ổn định, lãi suất cho vay giảm, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; dư nợ tín dụng tăng 18,44% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, lĩnh vực xuất khẩu và nông nghiệp cũng phát triển; ngành du lịch bứt phá với 7,67 triệu lượt khách quốc tế trong 4 tháng đầu năm.

Lĩnh vực an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết tâm hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong tháng 10.2025...

Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá, 6 tháng cuối năm, tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, không được chủ quan.

Trong đó, căng thẳng thương mại dự báo gia tăng và các chính sách bảo hộ từ các nền kinh tế lớn, tiềm ẩn rủi ro đối với xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Điều này đòi hỏi phải linh hoạt trong các chiến lược thương mại, đàm phán quốc tế.

Về mặt hạn chế, giải ngân vốn đầu tư công được đánh giá chưa đạt yêu cầu, tiến độ chậm; sức mua phục hồi chậm ở một số lĩnh vực, phản ánh cầu tiêu dùng trong nước chưa thực sự mạnh mẽ. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là những vấn đề cần tính toán trong thời gian tới.

https://laodong.vn/thoi-su/den-ngay-158-cac-dia-phuong-phai-sap-xep-xong-to-chuc-bo-may-1511659.ldo

Tô Thế (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: