Thời sự
Cập nhật lúc 03:48 07/04/2025 (GMT+7)
Hạ tầng phát triển, Bình Thuận kỳ vọng đón làn sóng đầu tư mới

Khi hạ tầng giao thông dần được khơi thông, Bình Thuận - cửa ngõ kết nối duyên hải Nam Trung Bộ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Nam Tây Nguyên - ngày càng thu hút các nhà đầu tư lớn trong nhiều lĩnh vực.

Hạ tầng phát triển, Bình Thuận kỳ vọng đón làn sóng đầu tư mới
Đường ven biển ở Mũi Né. Ảnh: Duy Tuấn

Hệ thống giao thông đa dạng

Bình Thuận hiện nay được kết nối thông suốt với các tỉnh, thành lân cận bằng hệ thống giao thông đa dạng. Đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã đi qua toàn tỉnh Bình Thuận và đưa vào khai thác, giúp rút ngắn thời gian di chuyển.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua tỉnh Bình Thuận có chiều dài khoảng 180km. Rồi trong tương lai còn có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đoạn qua Bình Thuận dài 156km với 2 ga hành khách là ga Phan Thiết và ga Phan Rí.

Với lợi thế có đường bờ biển dài, tỉnh Bình Thuận cũng nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và giao lưu kinh tế.

Hiện cảng biển Bình Thuận có 4 khu bến: Phan Thiết, Phú Quý, Vĩnh Tân và Sơn Mỹ trong đó, cảng Phan Thiết, Phú Quý và Vĩnh Tân đã hoạt động, còn cảng Sơn Mỹ đang được quy hoạch và thu hút đầu tư. Đặc biệt là dự án Cảng hàng không Phan Thiết đã hoàn thành và khai thác hạng mục quân sự, còn hàng mục dân dụng BOT đang trong quá trình thực hiện các thủ tục và dự kiến hoàn thành trong năm 2026.

Để Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch biển mang tầm quốc gia, việc đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông nội tỉnh là một trong những điều kiện tiên quyết. Điều này giúp tăng kết nối các khu du lịch và thuận tiện lưu thông. Từ thành phố Phan Thiết ra huyện đảo Phú Quý cũng đã có 3 tàu cao tốc khai thác vận chuyển hành khách.

Nhiều dự án đường giao thông khác đang được tỉnh Bình Thuận triển khai như tuyến đường ven biển qua thành phố Phan Thiết có tổng chiều dài 14,6km, dự án nâng cấp đường Quốc lộ 28B nối Lâm Đồng - Bình Thuận, đường nối từ trung tâm thành phố Phan Thiết ra cao tốc dài 11,2km với mức đầu tư 7.000 tỉ đồng, đường Tân Minh đi KCN Sơn Mỹ…

Khai thác tối đa tiềm năng kinh tế

Theo các nhà đầu tư, giao thông đối ngoại, đối nội cơ bản thông suốt đã đưa Bình Thuận gần hơn nữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo ra nhiều lợi thế hơn trước. Tiềm năng phong phú, lợi thế từ biển, rừng, đất đai, vị trí địa lý đã giúp Bình Thuận trở thành miền đất hấp dẫn trong đầu tư với dư địa phát triển rộng trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt trong một tháng qua, nhiều nhà đầu tư đã ký kết các bản ghi nhớ đầu tư và đến tìm hiểu các cơ hội đầu tư tại Bình Thuận.

Với những dự án lớn, thu hút “đại bàng về làm tổ” cũng kéo theo các dự án nhỏ trong tổ hợp. Như tại KCN Sơn Mỹ 1 có 2 nhà máy điện khí Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, kho cảng khí LNG. Khi hoàn thành, KCN Sơn Mỹ I kết hợp với cảng biển Sơn Mỹ sẽ có vai trò chiến lược mang tầm quốc tế và sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực mới không những của Bình Thuận mà còn của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - cho biết, thời gian gần đây, tỉnh Bình Thuận được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực đến tìm hiểu và triển khai các dự án đầu tư lớn. Địa phương cũng đang tập trung nhiều giải pháp thu hút đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Việc phát triển hạ tầng giao thông không chỉ giúp Bình Thuận khai thác tối đa tiềm năng kinh tế biển mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Tỉnh Bình Thuận đang tập trung phát triển mạnh các khu công nghiệp và khu kinh tế, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng, năng lượng và chế biến hải sản.

Điều này tạo ra nhu cầu lớn về vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường sắt, đường biển. Do đó, Bình Thuận sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông để đảm bảo kết nối ngày càng thông suốt, thuận tiện hơn.

https://laodong.vn/xa-hoi/ha-tang-phat-trien-binh-thuan-ky-vong-don-lan-song-dau-tu-moi-1487910.ldo

DUY TUẤN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: