Thời sự
Cập nhật lúc 08:54 13/07/2025 (GMT+7)
Hiện trạng đường Vành đai 1 Hà Nội sẽ cấm xe xăng từ tháng 7.2026

Hà Nội sắp cấm xe máy chạy xăng lưu thông trên Vành đai 1, trong đó có đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, con đường được xem là "đắt nhất hành tinh".

Theo Chỉ thị 20 ban hành ngày 12.7 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, bảo đảm đến ngày 1.7.2026 không còn môtô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1.

Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường Vành đai 1 của Hà Nội sau khi hoàn thành sẽ khép kín khu vực nội đô, vùng lõi của Thủ đô.

Cụ thể, các tuyến đường gồm phố: Trần Khát Chân (ngã ba Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái) - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Đê La Thành - Cầu Giấy - đường Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái.

Phạm vi của tuyến đường chạy qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa (cũ). Tuyến Vành đai 1 cũng là trục chính đô thị kết nối từ đông sang tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội.

Vành đai 1 đoạn qua trung tâm Hà Nội. Ảnh: Sóng Hữu
Vành đai 1 đoạn qua trung tâm Hà Nội. Ảnh: Sóng Hữu
Nút giao Voi Phục đường Vành đai 1. Ảnh: Sóng Hữu
Nút giao Voi Phục đường Vành đai 1. Ảnh: Sóng Hữu
Hầm chui Kim Liên ở trên tuyến Vành đai 1. Ảnh: Song Anh
Hầm chui Kim Liên ở trên tuyến Vành đai 1. Ảnh: Song Anh

Vành đai 1 qua khu vực trung tâm dài 7,2km (từ nút giao Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái đến nút giao Voi Phục) đã được xây dựng 2 cầu vượt nhẹ tại nút giao Trần Khát Chân - Kim Ngưu - Lò Đúc và Trần Khát Chân - Bạch Mai - Phố Huế, 1 hầm chui Kim Liên (nút giao Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Giải Phóng).

Trên thực tế, dự án Vành đai 1 chưa được khép kín do vẫn còn đoạn từ Hoàng Cầu tới Voi Phục đang thi công. Đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài hơn 2,2 km, mặt cắt ngang 50 m, điểm đầu giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa cũ), điểm cuối tại nút giao Voi Phục (quận Ba Đình cũ).

Ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động cho thấy, một số căn nhà trên đường Đê La Thành đang được tháo dỡ để bàn giao mặt bằng cho dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục. Tuy nhiên, phần lớn mặt bằng trên tuyến vẫn chưa được bàn giao.

Đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục hiện chỉ rộng 7-8m, 2 làn xe, thường xuyên ùn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Ảnh: Sóng Hữu
Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Ảnh: Sóng Hữu

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 25, HĐND Hà Nội khóa XVI ngày 9.7, ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - cho biết, dự án đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục) là dự án kéo dài và phức tạp, nhất là giải phóng mặt bằng (GPMB).

"Tổng thể có 1.981 hộ dân phải GPMB, sau khi có cam kết, quyết tâm, TP chỉ đạo rất quyết liệt. Kết quả thực hiện khá tích cực, có những chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên kế hoạch hoàn thành GPMB dự án trong quý 2 chưa đạt được như mong muốn" - ông Thường nói.

Ông Thường cho hay, hiện trong 1.981 hộ, TP đã chi trả tiền GPMB mặt bằng cho 1.297 hộ, chiếm 2/3; thu hồi mặt bằng được 633 hộ, chiếm hơn 1/3, chậm hơn so với những gì đã hứa.

"Chúng tôi đã thực hiện rào chắn, cắt điện nước để GPMB. Với biện pháp này, quận Đống Đa (cũ) thu hồi được 50 hộ, quận Ba Đình (cũ) thu hồi 129 hộ. Tuy nhiên tình hình rất phức tạp, hiện 3 phường mới nhận hơn 400 đơn thư của người dân" - ông Thường nói.

Theo ông Thường, đến nay, 3 phường đã hứa và quyết tâm trong quý IV/2025 sẽ phấn đấu hoàn thành GPMB liên quan tới dự án trên.

Đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục mặt cắt ngang rộng 7-8m, ùn tắc triền miên. Ảnh: Sóng Hữu
Đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục mặt cắt ngang rộng 7-8m, ùn tắc triền miên. Ảnh: Sóng Hữu

Dự án Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục có tổng mức đầu tư gần 7.200 tỉ đồng từ ngân sách thành phố, trong đó chi phí GPMB 5.800 tỉ đồng, xây dựng đường 636 tỉ đồng.

Dự án được phê duyệt từ tháng 12.2017, dự kiến hoàn thành năm 2020, nhưng chậm tiến độ.

Do đi qua các quận lõi của Thủ đô, mật độ dân cư đông nên tổng mức đầu tư dự án rất lớn, phần nhiều chi trả cho GPMB. Do đó, Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục thường được nhắc đến với tên gọi "con đường đắt nhất hành tinh".

https://laodong.vn/giao-thong/hien-trang-duong-vanh-dai-1-ha-noi-se-cam-xe-xang-tu-thang-72026-1539391.ldo

SÓNG HỮU (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: