Khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong lĩnh vực được đào tạo
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, một bộ phận không nhỏ sinh viên tốt nghiệp đại học chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong lĩnh vực được đào tạo. Ảnh: Tuệ Nhi
Ngày 7.7, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2024 đã họp cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát.
Đoàn giám sát đánh giá, trong thời điểm hiện nay, nguồn nhân lực của nước ta cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Quy mô nguồn nhân lực có bước phát triển, cơ cấu ngày càng phù hợp hơn; trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động được nâng lên; năng suất lao động, việc làm, thu nhập của người lao động có chuyển biến tích cực.
Đào tạo nhân lực chất lượng cao bước đầu được quan tâm ở cả bậc phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học với hệ thống trường chuyên.
Các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao của các bộ, ngành địa phương bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh bước vào kỷ nguyên mới, yêu cầu về nhân lực cao hơn, đất nước ta đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành.
Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa thực sự hợp lý, chưa gắn kết chặt chẽ và theo kịp nhu cầu thực tiễn. Tỉ lệ theo học các nhóm ngành khoa học cơ bản, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… có xu hướng giảm.
Một bộ phận không nhỏ sinh viên tốt nghiệp đại học chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Ước tính 30% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong lĩnh vực được đào tạo.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo còn nghèo nàn, lạc hậu, chưa đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực, song còn chậm. Tỉ lệ lao động có việc làm phi chính thức còn khá cao, chiếm 64,6% lực lượng lao động, đa số thu nhập thấp, thời gian làm việc kéo dài, điều kiện lao động không bảo đảm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chủ trì họp Đoàn giám sát về nguồn nhân lực. Ảnh: Phạm Thắng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, đây là chuyên đề khó, phạm vi rộng, song Đoàn giám sát đã xác định 2 nhóm nội dung trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực và sử dụng nguồn nhân lực.
Kết quả giám sát bước đầu đã cung cấp thông tin tin cậy, giúp các cơ quan của Quốc hội đóng góp ý kiến đối với dự thảo nghị quyết của Bộ Chính trị về hiện đại hóa, đột phá phát triển giáo dục và đào tạo.
Đây cũng là cơ sở chuẩn bị cho việc xem xét, sửa đổi, bổ sung các luật về lĩnh vực giáo dục và đào tạo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10; thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo; Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và phát triển.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh yêu cầu Báo cáo kết quả giám sát phải cập nhật các chủ trương mới, đưa ra giải pháp phù hợp, khả thi.
“Báo cáo phải mạch lạc, chặt chẽ, có điểm nhấn, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ.
Báo cáo kết quả giám sát sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sơ bộ tại phiên họp tháng 7.2025 và chính thức giám sát tại phiên họp tháng 8.2025.
https://laodong.vn/thoi-su/khoang-30-sinh-vien-tot-nghiep-khong-lam-viec-trong-linh-vuc-duoc-dao-tao-1536386.ldo
ANH HUY (BÁO LAO ĐỘNG)