Thời sự
Cập nhật lúc 05:07 24/05/2025 (GMT+7)
Không công khai địa chỉ thực phẩm vi phạm, người dân lo lắng

Dù liên tục phát hiện các mặt hàng không rõ nguồn gốc nhưng nhiều vụ lại không công khai địa chỉ cơ sở bán thực phẩm vi phạm khiến nhiều người dân lo lắng.

Không công khai địa chỉ thực phẩm vi phạm, người dân lo lắng
Trước vấn nạn hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, người dân vùng cao lo lắng. Ảnh: Quang Đạt

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện và thu giữ hàng hóa không rõ nguồn gốc, vi phạm an toàn thực phẩm tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang… đã dấy lên hồi chuông về tình trạng gian lận thương mại ở vùng cao.

Trong đợt kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa... từ ngày 24.4 đến 16.5, tại tỉnh Điện Biên đã phát hiện 8/24 cơ sở có sai phạm, trong đó có hàng chục sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện bán ra thị trường. Tuy nhiên, tất cả các cơ sở này đều không được cơ quan chức năng công bố tên và địa chỉ kinh doanh khiến nhiều người dân bất an.

aa
Hàng không rõ nguồn gốc liên tiếp phát hiện tại các tỉnh miền núi. Ảnh: Quang Đạt

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về vấn đề này, ông Trần Ngọc Diệp - Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Điện Biên, trưởng đoàn kiểm tra cho biết: "Theo quy định thì những vi phạm của các cơ sở kinh doanh này chưa đến mức phải công bố tên và địa chỉ, do vậy, đoàn kiểm tra chỉ xử lý theo quy định và yêu cầu các cơ sở tự tiêu hủy trước sự chứng kiến của lực lượng chức năng".

Mới đây (ngày 19.5), lực lượng liên ngành tỉnh Lai Châu cũng đã kiểm tra một hộ kinh doanh tại phường Quyết Thắng, TP Lai Châu. Qua kiểm tra, phát hiện cơ sở đang bày bán 47 thùng bột ngọt (mì chính) nhãn hiệu Fuji-moto, tổng trọng lượng 720kg. Bao bì sản phẩm không ghi xuất xứ hàng hóa và thiếu các nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật.

aa

Thanh tra liên ngành tỉnh Điện Biên đi kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Ảnh: Sở Y tế Điện Biên.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hàng không rõ nguồn gốc không chỉ được phát hiện tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ mà còn có cả trong những siêu thị lớn. Đơn cử như đợt kiểm tra trại TP Điện Biên Phủ vừa qua, thế nhưng, các cơ sở vi phạm lại không được lực lượng chức năng công bố khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Chị Vi Thị Nga (28 tuổi, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ) cho biết: “Khi đi mua hàng, tôi cảm thấy rất khó để phân biệt, hàng giả được làm giống y hệt hàng thật, để nhận biết được là vô cùng khó khăn”.

Cũng theo chị Nga, những thông tin về hàng giả, hàng nhái tràn lan đã khiến thói quen mua sắm phải thay đổi. Thay vì lựa chọn tự do, giờ đây chị có xu hướng chỉ tin vào những nơi quen thuộc hoặc người bán đã có uy tín.

Điện Biên đã phát hiện và xử phạt 8 cơ sở kinh doanh dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và sữa. Ảnh: CDC Điện Biên
Các tỉnh miền núi siết chặt quản lý thị trường sau loạt vụ việc hàng không rõ nguồn gốc. Ảnh: CDC Điện Biên

Trước thực trạng trên, tỉnh Điện Biên đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, đối tượng kiểm tra là các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ truyền thống và thương mại điện tử.

Tập trung đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh, sữa, thực phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thời gian thực hiện kế hoạch cao điểm từ ngày 22.5 đến 15.6. Và xuyên suốt từ ngày 16.6 đến hết năm 2025 khi có chỉ đạo của cấp trên, phản ánh của người tiêu dùng hoặc kiến nghị, đề xuất của các thành viên đoàn kiểm tra.

Còn tại tỉnh Lai Châu cũng đã mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ ngày 16.5 đến 15.6.

https://laodong.vn/kinh-doanh/khong-cong-khai-dia-chi-thuc-pham-vi-pham-nguoi-dan-lo-lang-1511862.ldo

NHÓM PV (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: