Lý do Việt Nam dự kiến nhập khẩu gạo thứ 2 thế giới dù xuất khẩu hàng triệu tấn
Theo dự báo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam dự kiến trở thành nước xuất khẩu và nhập khẩu gạo thứ 2 thế giới.
Theo báo cáo vừa phát hành về lĩnh vực lương thực toàn cầu, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Ấn Độ vẫn sẽ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào năm 2026 với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt mức kỷ lục là 24,5 triệu tấn, tăng 500.000 tấn so với năm trước và chiếm gần 40% thương mại toàn cầu. Sự gia tăng lượng gạo của Ấn Độ được lý giải là do vụ mùa bội thu, lượng dự trữ dồi dào và giá cả ổn định nhất trong số các nước xuất khẩu lớn.
Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến đạt 7,9 triệu tấn do nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc và Philippines. Còn xuất khẩu gạo của Thái Lan dự kiến đạt 7,2 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so với năm trước, chủ yếu là các thị trường truyền thống là Trung Quốc và Iraq.
Nhiều chuyên gia khẳng định xuất khẩu gạo Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng. Ảnh: Mỹ Ly.
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng Việt Nam vẫn còn tiềm năng xuất khẩu gạo, ít nhất là trong vòng 5-6 năm tới.
Tuy nhiên, theo ông Phú, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tương lai vẫn phải đối mặt với một số thách thức như biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường có thể ảnh hưởng đến vụ mùa. Bên cạnh đó là thách thức về sự cạnh tranh từ những thị trường mà vốn cạnh tranh với Việt Nam về xuất khẩu lúa gạo như Ấn Độ, Thái Lan. Ngoài ra, những chính sách thuế quan cũng có thể là thách thức đối với xuất khẩu gạo Việt Nam. "Tuy nhiên, "nước lên thì thuyền lên", chúng ta không chủ quan nhưng cũng không quá bi quan. Tôi nghĩ việc đảm bảo dự trữ chiến lược cùng với vai trò điều hành của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương, sự khôn khéo trong đàm phán sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho xuất khẩu gạo trong thời gian tới", ông Phú cho biết.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo, Việt Nam có thể là quốc gia nhập khẩu gạo thứ 2 thế giới với dự kiến 4,1 triệu tấn, do sản lượng thu hoạch ít hơn và nhu cầu ngày càng tăng đối với gạo giá rẻ từ Campuchia. Về dự báo này, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy khẳng định việc nhập khẩu gạo nhiều cũng sẽ không ảnh hưởng tới an ninh lương thực tại Việt Nam. Ông Hoàng Trọng Thủy giải thích, giá gạo của thế giới đang rơi vào mức thấp nhất, đây là cơ hội cho Việt Nam nhập khẩu.
Nông dân chuyển sang sản xuất gạo thơm chất lượng cao để xuất khẩu, trong khi nhu cầu làm bún, phở hay thức ăn trong nước chỉ cần loại gạo giá rẻ. Điều này khiến các doanh nghiệp chọn nhập gạo để giảm chi phí đầu vào. Ảnh: Phương Anh.
"Năm 2023, năm 2024 mặc dù là chúng ta xuất khẩu trên 7 triệu tấn nhưng chúng ta vẫn phải nhập khoảng 1,1 - 1,3 tấn gạo trắng để sản xuất hàng hóa và làm thức ăn chăn nuôi. Vậy nên trong năm nay, số lượng nhập khẩu có thể tăng thêm vì giá lợn năm nay có nhiều biến động và khá cao, nên nhu cầu có thể cao hơn", ông Thủy giải thích.
Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp cũng có nhu cầu cao nhập khẩu gạo để tái xuất kéo theo sản lượng gạo nhập khẩu cũng sẽ tăng cao.
https://laodong.vn/thi-truong/ly-do-viet-nam-du-kien-nhap-khau-gao-thu-2-the-gioi-du-xuat-khau-hang-trieu-tan-1506352.ldo
Huy Hoàng (BÁO LAO ĐỘNG)