Một gói thầu thuộc dự án đường sắt tốc độ cao sẽ được mở tháng 6.2025
Ông Chu Văn Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, đơn vị đang mời một gói thầu dự án đường sắt tốc độ cao.
Toàn cảnh hội thảo về dự án đường sắt tốc độ cao. Ảnh: Xuyên Đông
Phát biểu tại tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: cơ hội để kinh tế tư nhân bứt trong kỷ nguyên mới” do Báo Nông thôn ngày nay tổ chức ngày 14.5, ông Chu Văn Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Xây dựng cho biết, đơn vị vừa mời gói thầu tư vấn quản lý dự án giai đoạn chuẩn bị dự án thuộc dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Được biết, gói thầu trị giá hơn 245 tỉ. Dự kiến mở thầu tháng 6 năm 2025.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng đường sắt Việt Nam cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 172/2024/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Bộ Xây dựng lên kế hoạch ba giai đoạn gồm lập báo cáo khả thi, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu. Đây là một trong những dự án có mức đầu tư lớn nhất, cần thiết có các cơ chế chính sách đặc thù. Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu cơ quan sớm hoàn thiện nghị quyết thống nhất cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt.
Về phía doanh nghiệp, ông Hồ Đức An, Giám đốc kỹ thuật, Công ty Cổ phần FECON cho biết, cách đây hơn 10 năm, Tổng công ty đã thành lập một công ty con chuyên về thi công đường sắt đô thị. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực, thông qua việc đào tạo và tuyển dụng các tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo tại các quốc gia phát triển như Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng để tham gia các dự án đường sắt lớn, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực để thực thi các dự án có quy mô rất lớn, các siêu dự án. Đó là khoảng cách mà chúng ta cần hỗ trợ và các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tìm tòi, phát triển để có thể thực hiện các dự án quy mô lớn của quốc tế.
Để có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thời gian tới, ông Hồ Đức An kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về một số cơ chế liên quan đến phát triển đô thị xung quanh các dự án đường sắt để khai thác tiềm năng; tháo gỡ vướng mắc thực tiễn như thủ tục pháp lý, cơ chế cho các chủ đầu tư. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong khai thác mỏ vật liệu.
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cùng chủ trương đầu tư dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư hơn 67 tỉ USD đã mở ra kỷ nguyên mới cho doanh nghiệp tư nhân trong nước bứt phá.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang khởi đầu không chỉ như một chương trình hạ tầng quốc gia, mà còn như một bài kiểm tra chiến lược về khả năng tham gia sâu rộng của khu vực kinh tế tư nhân trong các công trình công lớn.
Ngày 19.12.2024, Quốc hội đã chính thức phê duyệt Nghị quyết số 172/QH15, xác lập chủ trương đầu tư cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Chưa đầy bốn tháng sau, vào ngày 23.4.2025, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 106/NQ-CP nhằm cụ thể hóa kế hoạch triển khai nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh tính lưỡng dụng của hệ thống: vừa phục vụ vận tải hành khách, vừa có khả năng hỗ trợ vận tải hàng hóa và đảm bảo quốc phòng - an ninh khi cần.
Trong một động thái thể hiện sự quyết liệt, Chính phủ yêu cầu hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng trước ngày 31.12.2026, thời điểm dự kiến khởi công dự án. Mục tiêu không chỉ là hoàn thành tuyến đường dài hơn 1.500 km nối liền hai đầu đất nước, mà còn là thiết lập một chuỗi cung ứng công nghiệp nội địa quy mô lớn với sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước.
Khác với các dự án lớn trước đây, lần này Chính phủ Việt Nam đưa ra thông điệp rõ ràng: các doanh nghiệp tư nhân trong nước không chỉ được mời tham gia, mà được kỳ vọng sẽ đảm nhận vai trò trung tâm trong nhiều khâu – từ cung cấp vật liệu, thi công hạ tầng, sản xuất thiết bị cho đến vận hành và bảo trì toàn hệ thống.
Danh sách các doanh nghiệp tiềm năng đã bắt đầu hình thành, bao gồm Tập đoàn Hoà Phát, FECON, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành, cùng nhiều nhà thầu công nghệ và tài chính khác. Các ngân hàng thương mại lớn cũng được đặt vào vị trí then chốt trong cấu trúc vốn và bảo lãnh tín dụng cho các nhà thầu.
https://laodong.vn/kinh-doanh/mot-goi-thau-thuoc-du-an-duong-sat-toc-do-cao-se-duoc-mo-thang-62025-1506549.ldo
Xuyên Đông (BÁO LAO ĐỘNG)