Nhiều điểm mới kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội năm 2025
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm 2025 tại Hà Nội có nhiều điểm mới.
Học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Hà
Dự kiến không nhân hệ số 2 với Toán, Văn
Tại sự kiện tư vấn tuyển sinh sáng 23.2, ông Nghiêm Văn Bình - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội, cho biết cách tính điểm vào lớp 10 công lập năm nay có thay đổi.
Theo đó, Hà Nội dự kiến sẽ không nhân hệ số 2 với các môn thi toán, văn. Với việc tính điểm bình đẳng các môn thi, thí sinh yếu hơn ở môn Toán, Văn so với môn thứ ba sẽ không gặp nhiều bất lợi như cách tính điểm cũ.
Điểm thi và điểm chuẩn công bố cùng thời điểm
Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 30) về quy chế tuyển sinh THCS và THPT do Bộ GDĐT ban hành quy định: Việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng thời với công bố điểm thi.
Như vậy, bắt đầu từ năm nay, học sinh sẽ được biết điểm thi và kết quả trúng tuyển vào lớp 10 trong cùng một ngày.
Các năm trước, Hà Nội công bố điểm chuẩn sau ngày công bố điểm thi từ 1 đến 7 ngày.
Học sinh giỏi cấp tỉnh được cộng điểm khuyến khích
Thông tư 30 cũng quy định, học sinh THCS đạt giải cấp tỉnh đối với cuộc thi tổ chức ở cấp quốc gia về văn hóa, văn nghệ, thể thao, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật được cộng điểm khuyến khích.
Điểm khuyến khích được cộng vào tổng điểm xét tuyển tính theo thang điểm 10 (mười) đối với mỗi môn thi, bài thi. Trong đó giải nhất được cộng 1,5 điểm; giải nhì được cộng 1 điểm; giải ba được cộng 0,5 điểm.
Những năm trước đây, Bộ không cho phép cộng điểm khuyến khích với học sinh đạt giải cấp tỉnh, thành phố mà chỉ tuyển thẳng đối với học sinh đạt giải cấp quốc gia.
Học sinh phải viết bài văn, không dùng ngữ liệu sách giáo khoa
Kể từ năm 2025, với môn Ngữ văn, giáo viên tránh dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa khi kiểm tra, nhằm khắc phục tình trạng học thuộc lòng. Như vậy, học sinh không còn "tủ" để ôn thi môn Ngữ văn.
Đề minh họa vào lớp 10 môn ngữ văn của Sở GDĐT Hà Nội cũng thể hiện rất rõ điều này.
Để có thể làm được bài thi với những ngữ liệu hoàn toàn mới mẻ, thí sinh buộc phải nắm chắc đặc trưng các thể loại, ghi nhớ và nắm vững kiến thức về tiếng Việt, có kĩ năng đọc hiểu tốt.
Ngoài ra, cũng từ kỳ thi lớp 10 tới, học sinh Hà Nội sẽ phải học kỹ năng viết bài văn chứ không chỉ viết đoạn văn. Câu hỏi nghị luận xã hội chiếm 40% tổng điểm chính là một bài văn có độ dài khoảng 400 chữ.
Bài văn và đoạn văn có sự khác biệt rõ rệt về yêu cầu, kết cấu, đặc trưng dạng bài. Thí sinh nếu không rèn kỹ năng viết bài văn sẽ gặp lúng túng và xử lý không đầy đủ yêu cầu đề bài.
Đề trắc nghiệm thay đổi, thêm định dạng trắc nghiệm mới
Theo cấu trúc định dạng đề thi vào lớp 10 mà Sở GDĐT công bố, các môn thi trắc nghiệm được thay đổi theo định dạng của đề thi tốt nghiệp THPT.
Theo Sở GDĐT Hà Nội, các câu hỏi ở mức độ nhận biết sẽ chiếm 20%, mức độ thông hiểu và vận dụng đều 40%. Riêng các môn tích hợp và Tin học, tỉ lệ này được chia theo các dạng câu hỏi. Các trường cần nghiên cứu, áp dụng cấu trúc đề này trong giảng dạy, ôn luyện để học sinh làm quen với các dạng trắc nghiệm mới như lựa chọn đúng/sai, trả lời ngắn.
Thí sinh phải thực sự có khả năng lập luận, phân tích và nắm chắc kiến thức nền tảng để trả lời được câu hỏi trắc nghiệm mới, không thể khoanh bừa vẫn đạt điểm như trước đây.
https://laodong.vn/giao-duc/nhieu-diem-moi-ky-thi-tuyen-sinh-lop-10-tai-ha-noi-nam-2025-1468361.ldo
VÂN TRANG (báo lao động)