Nhiều thay đổi trong tuyển dụng giáo viên khi không còn cấp huyện
UBND cấp xã sẽ được trao quyền tuyển dụng giáo viên mầm non theo biên chế số lượng người làm việc do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc tuyển dụng giáo viên sẽ có nhiều thay đổi khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (không còn cấp huyện). Ảnh: Bích Hà
Trước đây, việc tuyển dụng giáo viên công lập thực hiện như tuyển dụng viên chức nói chug, do ngành Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh thực hiện.
Tuy nhiên, theo Công văn số 1581/BGD&ĐT-GDPT vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) gửi UBND cấp tỉnh về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (không còn cấp huyện), việc tuyển dụng giáo viên sẽ có nhiều thay đổi.
Theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, các nội dung quản lý cấp huyện đang thực hiện sẽ được chuyển về các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp xã khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại chính quyền địa phương 2 cấp.
Trong đó, UBND cấp xã sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non. Còn Sở GDĐT tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục khác.
Đặc biệt liên quan đến việc tuyển dụng nhà giáo, theo Bộ GDĐT, UBND cấp xã sẽ có thẩm quyền trực tiếp quản lý về tổ chức, nhân sự của trung tâm học tập cộng đồng; thường xuyên cập nhật đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thuộc phạm vi quản lý vào cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục.
Chỉ đạo công tác tuyển dụng giáo viên mầm non theo biên chế số lượng người làm việc do cấp có thẩm quyền phê duyệt. UBND cấp xã còn được quyết định số lượng hợp đồng lao động các vị trí việc làm trong cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm đủ số lượng người làm việc thực hiện chương trình giáo dục theo quy định.
Còn Sở GDĐT sẽ có thẩm quyền: Tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định vị trí việc làm, biên chế công chức của cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định vị trí việc làm, tổng số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh theo quy định của pháp luật.
Sở GDĐT sẽ chủ trì hoặc phân cấp thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đối với nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Đồng thời đảm bảo đủ biên chế công chức quản lý giáo dục, đủ số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục...
Quyết định công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng, kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập...
Sở GDĐT còn chủ trì xây dựng hằng năm về số lượng người làm việc của Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục trực thuộc, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phân bổ số lượng người làm việc theo vị trí việc làm cho các cơ sở giáo dục trực thuộc theo quy định...
Như vậy, trong thời gian tới, chức năng tuyển dụng giáo viên các cấp được phân cấp, phân quyền mạnh hơn về cho Sở GDĐT các địa phương, riêng cấp mầm non sẽ do cấp xã quyết định tuyển dụng. Đây là một trong những quyết định đột phá của ngành Giáo dục, được kỳ vọng giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương đã xảy ra rất nhiều năm qua.
https://laodong.vn/giao-duc/nhieu-thay-doi-trong-tuyen-dung-giao-vien-khi-khong-con-cap-huyen-1501536.ldo
TRANG HÀ (BÁO LAO ĐỘNG)
TRANG HÀ