Quảng Trị và Quảng Bình hợp nhất, mở rộng không gian phát triển
Quảng Bình - Việc hợp nhất hai tỉnh nhằm xây dựng chính quyền tinh gọn, hiệu quả, tạo động lực liên kết vùng và mở rộng không gian phát triển bền vững.
Tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình hợp nhất giúp hướng đến mở rộng không gian phát triển. Trong ảnh là TP Đồng Hới nhìn từ trên cao. Ảnh: Công Sáng
Đề án sắp xếp, tổ chức lại tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh duy nhất mang tên tỉnh Quảng Trị vừa chính thức được hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền.
Đây là bước đi thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12.4.2025 của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII; Kết luận số 137-KL/TW của Bộ Chính trị về việc xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Hai tỉnh - một tầm nhìn
Theo Đề án, việc hợp nhất nhằm giảm đầu mối tổ chức hành chính, khắc phục tình trạng chồng chéo, phân tán nguồn lực, đồng thời tạo dư địa phát triển lớn hơn trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số. Quảng Bình và Quảng Trị là hai địa phương có nhiều nét tương đồng về địa lý, lịch sử, văn hóa và cơ cấu tổ chức bộ máy, có khả năng kết nối và bổ trợ nhau để phát triển toàn diện.
Sau sáp nhập, tỉnh Quảng Trị mới sẽ có diện tích tự nhiên hơn 12.699km², dân số hơn 1,86 triệu người, với 78 đơn vị hành chính cấp xã. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới sẽ được đặt tại địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện nay.
Tỉnh mới sau sáp nhập vẫn giữ nguyên mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Số lượng sở, ban ngành và các đơn vị hành chính, sự nghiệp sẽ được sắp xếp theo nguyên tắc không tăng thêm so với tổng số hiện có của hai tỉnh. Toàn bộ quá trình được thực hiện theo hướng tinh gọn, tránh xáo trộn lớn, đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động của bộ máy nhà nước, đồng thời giữ gìn sự ổn định chính trị - xã hội.
Sau hợp nhất, tỉnh Quảng Trị sẽ có 14 sở chuyên môn, 2 cơ quan hành chính thuộc UBND tỉnh, 9 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, 147 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở ban ngành.
Ở khối Đảng, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, sẽ giữ lại 13 cơ quan. Báo và Đài truyền hình của hai tỉnh sẽ được sáp nhập thành một cơ quan duy nhất.
Ở cấp huyện, 18 đơn vị hành chính hiện có của hai tỉnh sẽ được kết thúc, cấp xã cũng giảm từ 264 xuống còn 78 đơn vị.
Không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới
Việc hợp nhất không chỉ là sắp xếp hành chính mà còn nhằm mở rộng không gian phát triển vùng, gia tăng sức mạnh tổng hợp trong thu hút đầu tư, kết nối giao thông, phát triển hạ tầng và tăng cường quốc phòng - an ninh. Tỉnh mới sẽ có tiềm lực mạnh hơn để xây dựng một chính quyền hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Chính phủ cũng chỉ đạo rõ việc sắp xếp cần được triển khai bài bản, đồng bộ, với sự đồng thuận cao từ hệ thống chính trị đến người dân. Các chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư, ổn định bộ máy và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức cũng được xác lập rõ ràng.
Theo đánh giá, việc hợp nhất hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị không chỉ là bước đi phù hợp với xu thế phát triển mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên của cả một vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
https://laodong.vn/thoi-su/quang-tri-va-quang-binh-hop-nhat-mo-rong-khong-gian-phat-trien-1493452.ldo
CÔNG SÁNG (BÁO LAO ĐỘNG)