Thời sự
Cập nhật lúc 04:06 07/07/2025 (GMT+7)
Sĩ tử loay hoay chọn ngành sau kỳ thi tốt nghiệp THPT

Hiện nhiều thí sinh vẫn bối rối với việc chọn ngành, chọn trường trong khi thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đang đến gần.

 

Sĩ tử loay hoay chọn ngành sau kỳ thi tốt nghiệp THPT
Thí sinh cần hiểu rõ năng lực và thế mạnh của mình. Ảnh: Hải Nguyễn

Mất ăn mất ngủ

Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, không ít thí sinh rơi vào trạng thái hoang mang vì vẫn chưa biết mình nên đăng ký nguyện vọng vào ngành nào, trường nào cho phù hợp. Nhiều em bày tỏ về sự mông lung, lo lắng vì không hiểu rõ sở thích, năng lực thật sự của bản thân.

Em Nguyễn Thị Lan - thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hưng Yên cho biết: “Em rất băn khoăn vì chưa biết mình thích gì, giỏi gì. Bố mẹ mong em đỗ vào trường đại học top đầu, học ngành hot để sau này dễ xin việc, nhưng em lại sợ học không hợp rồi bỏ dở giữa chừng” - Lan chia sẻ.

“Em nghe nhiều anh chị khóa trước chia sẻ về việc học xong ra trường thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành. Em sợ mất thời gian 4 năm, tốn kém tiền bạc của bố mẹ mà sau này lại không xin được việc, rồi bơ vơ giữa thị trường lao động đầy biến động” - Lan nói.

Cùng tâm trạng, em Lê Đình Dương - thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Đà Nẵng bày tỏ sự lo lắng khi đứng trước ngã rẽ quan trọng nhất trong 12 năm đèn sách nhưng chưa tìm được lối đi cho mình.

“Đến bây giờ em vẫn chưa biết mình sẽ nộp nguyện vọng vào ngành gì. Bố mẹ muốn em theo ngành Công nghệ thông tin vì nghe nói có mức lương cao, ra trường dễ xin việc. Nhưng em không giỏi Toán, cũng không hứng thú với máy tính” - Dương nói.

Nam sinh cho biết, trước nay chỉ tập trung học để thi tốt nghiệp, chỉ đến khi bạn bè bắt đầu chốt nguyện vọng, Dương mới bắt đầu lo lắng. “Em sợ nhất là học ngành mình không thích, ra trường lại thất nghiệp hoặc làm trái nghề. Tuy nhiên, hiện tại em cũng chưa biết mình thực sự phù hợp với nghề gì” - Dương tâm sự.

Thí sinh cần hiểu rõ mình

Thấu hiểu tâm lý thí sinh, cô Đỗ Thị Trà Mi - giáo viên Trường THPT Hòa Bình La Trobe (Hà Nội) cho rằng, công tác hướng nghiệp cho học sinh không chỉ bắt đầu ở năm cuối cấp, mà cần được triển khai sớm, từ những năm đầu bậc THPT, thậm chí ngay từ cấp THCS.

“Hướng nghiệp là một quá trình dài. Khi bắt đầu có nguyện vọng thì những định hướng đó phải được duy trì, bồi đắp và điều chỉnh phù hợp, tránh tình trạng thi đỗ vào trường rồi cảm thấy ngành học không như mình tưởng tượng, phát sinh chán nản rồi cuối cùng bỏ cuộc” - cô Trà Mi chia sẻ.

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều học sinh chọn ngành, chọn trường theo số đông, mong muốn của gia đình mà thiếu sự hiểu biết về bản thân cũng như yêu cầu thực tế của ngành nghề. Hậu quả là khi bước chân vào giảng đường, các em dễ rơi vào tình trạng “vỡ mộng”, mất động lực học tập, thậm chí chán nản hoặc ra trường làm trái ngành, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc.

Trước tình trạng đó, cô Trà Mi khuyên thí sinh nên chủ động tìm hiểu thông tin về ngành học, thị trường lao động, nhu cầu xã hội, đồng thời lắng nghe tư vấn từ thầy cô, chuyên gia hướng nghiệp để có quyết định sáng suốt thay vì lựa chọn vội vàng trong áp lực.

Về vấn đề này, TS Trần Khắc Thạc - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy Lợi - cho rằng, khi đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời, thí sinh phải hiểu rõ bản thân mình mạnh gì, thích gì.

“Các em cần nhìn lại quá trình học tập, xem mình thực sự giỏi, có thế mạnh ở môn nào, lĩnh vực nào. Đồng thời, hãy tự hỏi bản thân có hứng thú, sẵn sàng gắn bó với nghề đó lâu dài không. Khi thế mạnh và đam mê cùng một nhịp, các em sẽ có nhiều cơ hội phát triển và gắn bó bền vững với nghề đã chọn” - TS Thạc nhấn mạnh.

https://laodong.vn/giao-duc/si-tu-loay-hoay-chon-nganh-sau-ky-thi-tot-nghiep-thpt-1535996.ldo

Thanh Hằng (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: