Thời sự
Cập nhật lúc 03:50 31/03/2025 (GMT+7)
Sức chống chịu của cao ốc ở TPHCM sau rung chấn động đất

TPHCM - Rung chấn sau động đất ở Myanmar khiến nhiều người lo lắng về an toàn các cao ốc ở TPHCM. Chuyên gia nói cần tuân thủ tiêu chuẩn xây dựng kháng chấn.

Trận động đất mạnh hơn 7 độ richter xảy ra tại Myanmar vào chiều 28.3 đã gây ra hiện tượng rung chấn trên diện rộng tại TPHCM, đặc biệt là tại các tòa nhà cao tầng. Tại chung cư Diamond Riverside (Quận 8), nhiều khu vực hành lang bị bung gạch lót sàn và ốp tường, một số căn hộ xuất hiện vết rạn nứt.

Sự việc này đã dấy lên lo ngại về khả năng chống chịu của các công trình xây dựng tại Việt Nam trước nguy cơ dư chấn, động đất. Câu hỏi đặt ra là, để đảm bảo "an toàn trước rung chấn", những tiêu chuẩn nào cần được áp dụng trong xây dựng nhà chống động đất?

Khu vực hành lang chung cư Diamond Riverside (Quận 8) bị bong tróc, phồng rộp gạch sau dư chấn. Ảnh: Anh Tú
Khu vực hành lang chung cư Diamond Riverside (Quận 8) bị bong tróc, phồng rộp gạch sau dư chấn do động đất tại Myanmar. Ảnh: Anh Tú

TS. Nguyễn Tấn Tiên, chuyên gia về cơ học và phân tích kết cấu từ Trường Đại học Việt - Đức, cho biết, Việt Nam hiện áp dụng tiêu chuẩn TCVN 9386:2012, được xây dựng trên nền tảng Eurocode 8 của châu Âu. Tiêu chuẩn này phân loại mức độ động đất theo gia tốc nền, từ mạnh đến yếu, và quy định yêu cầu kháng chấn tương ứng cho từng loại công trình.

Tuy nhiên, việc triển khai tiêu chuẩn này vào thực tế xây dựng đang đối mặt với nhiều thách thức. Chi phí đầu tư cho công trình chống động đất thường cao hơn đáng kể, có thể lên đến 30% tổng chi phí xây dựng. Điều này khiến các chủ đầu tư, đặc biệt tại các khu vực ít có nguy cơ động đất, phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo TS. Tiên, để xây dựng một công trình "an toàn trước rung chấn", cần chú trọng đến các yếu tố sau:

Vị trí địa lý và địa chất: Các khu vực có nền đất yếu, gia tốc nền cao đòi hỏi kết cấu kháng chấn mạnh mẽ hơn.

Quy mô và tầm quan trọng công trình: Các công trình trọng điểm như nhà máy điện hạt nhân, đập thủy điện cần tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn.

Vật liệu xây dựng: Nên ưu tiên sử dụng các vật liệu có khả năng hấp thụ năng lượng tốt như thép, đồng thời gia cố các vật liệu dễ nứt vỡ như bê tông.

Thiết kế kết cấu: Nền móng và khung liên kết cần được thiết kế linh hoạt, có khả năng triệt tiêu dao động.

Phân bố khối lượng: Hạn chế tập trung vật nặng ở các tầng cao, tránh cộng hưởng với sóng địa chấn.

Tuổi thọ công trình và điều kiện thời tiết: Thường xuyên kiểm tra, bảo trì công trình, đặc biệt sau các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Các vết nứt xuất hiện căn hộ của bà Hiền. Ảnh: Anh Tú
Các vết nứt xuất hiện tại một căn hộ chung cư ở Quận 8, TPHCM. Ảnh: Anh Tú

TS. Tiên cho hay, Nhật Bản, quốc gia thường xuyên hứng chịu động đất, đã phát triển các kỹ thuật xây dựng tiên tiến để giảm thiểu thiệt hại. Các công trình cao tầng tại Nhật Bản thường được trang bị: hệ thống cách ly nền để giảm thiểu lực truyền từ nền đất lên công trình; hệ thống giảm chấn nhằm triệt tiêu dao động bằng các vật liệu và thiết bị chuyên dụng; kết cấu đối xứng để tăng cường độ bền theo mọi hướng, tránh xô lệch khi động đất xảy ra.

TS. Tiên khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người sống trong các tòa nhà cao tầng, cần giữ bình tĩnh khi xảy ra dư chấn, động đất. Thay vì vội vã di chuyển, hãy tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn, tránh xa các vật dụng dễ rơi vỡ.

"Việc xây dựng các công trình có khả năng chống động đất là một bài toán khó. Vấn đề ở chỗ chi phí xây dựng cho công trình có cấu tạo chống động đất và không chống động đất là rất khác nhau. Công trình có cấu tạo kháng chấn đòi hỏi chi phí xây dựng cao hơn trong khi xác suất xảy ra động đất là khá thấp ở khu vực có địa chất ổn định như Việt Nam", TS Tiên cho biết.

Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nguy cơ thiên tai ngày càng gia tăng, việc đầu tư vào các công trình "an toàn trước rung chấn" là điều cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

https://laodong.vn/xa-hoi/suc-chong-chiu-cua-cao-oc-o-tphcm-sau-rung-chan-dong-dat-1484601.ldo

Minh Tâm (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: