Thái độ thực thi công vụ là một phần thước đo năng lực và trách nhiệm cán bộ
Hà Nội sẽ lấy công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng hiện nay để làm căn cứ đánh giá khi sắp xếp, luân chuyển, điều động cán bộ.
Hà Nội sắp xếp, luân chuyển cán bộ chưa thực hiện hiệu quả công tác quản lý đất đai. Ảnh minh họa: Hữu Vũ
Kết luận hội nghị giao ban quý I năm 2025 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã ngày 3.4, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã truyền đi một thông điệp đáng chú ý về công tác cán bộ.
Theo ông Phong, công tác quản lý đất đai (đặc biệt là đất công) và công tác quản lý trật tự xây dựng bình thường đã là vấn đề “nóng”, trong thời điểm này lại càng “nóng” hơn.
Do đó, thành phố yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, thị xã phải thể hiện trách nhiệm cao nhất, không để xảy ra tình trạng “tranh tối tranh sáng” hay khoảng trống quản lý.
Và việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này không chỉ là thước đo năng lực lãnh đạo, mà còn là căn cứ để thành phố đánh giá cán bộ, qua đó, thực hiện việc sắp xếp, luân chuyển, điều động cán bộ trong thời gian tới.
Trước Hà Nội, lãnh đạo một số địa phương như Quảng Nam, Quảng Trị cũng có thông điệp tương tự khi cho biết thái độ làm việc của cán bộ công chức trong thời điểm chuẩn bị sáp nhập tỉnh, thành hiện nay là tiêu chí lựa chọn cán bộ, công chức cho bộ máy mới.
Và điều này phản ánh một xu hướng quan trọng: thời điểm chuyển đổi hiện nay chính là cơ hội để làm phép thử đối với năng lực, tính kỷ luật và bản lĩnh của mỗi cán bộ, công chức.
Làm phép thử lúc này sẽ cho thấy ai thật sự tận tâm với công việc, ai luôn giữ được “lửa” và đảm bảo chất lượng phục vụ người dân dù môi trường hành chính đang sắp xếp.
Ai làm tốt, họ sẽ xứng đáng được tin tưởng giao thêm trọng trách khi các địa phương hoàn tất sắp xếp bộ máy.
Ngược lại, bất cứ biểu hiện buông lỏng quản lý, để xảy ra “tranh tối tranh sáng” hay tiếp tay cho sai phạm cũng sẽ sớm bị phát hiện và xử lý hoặc phải trả giá.
Tuy vậy, để có được sự đánh giá và nhìn nhận công bằng thì đầu tiên phải minh bạch, rõ ràng các tiêu chí, thay vì chỉ nói chung chung là “thái độ tốt, hiệu quả cao” hoặc “thái độ chưa tốt, hiệu quả chưa cao”...
Tất cả phải được công bố rõ ràng, kèm theo quy trình giám sát, xử lý vi phạm. Nhờ đó, cán bộ “dám làm, dám chịu trách nhiệm” được ghi nhận xứng đáng, còn cán bộ trì trệ hoặc trục lợi sẽ bị đào thải.
Cuối cùng, minh bạch còn phải đi liền với cơ chế, công cụ giám sát để bảo đảm sự khách quan trong đánh giá, tránh trường hợp lãnh đạo “bao che” cho sai phạm hoặc thuyên chuyển không công bằng.
Khi mọi bước đánh giá đều công khai, dựa trên dữ liệu thực tiễn, cán bộ sẽ xác lập được niềm tin rằng: chính thái độ và kết quả công việc mới quyết định tương lai, thay vì các yếu tố quan hệ hay thâm niên.
Lúc đó các thông điệp được truyền đi từ lãnh đạo mới thật sự thúc đẩy toàn hệ thống chính trị vận hành trơn tru, gắn chặt với tinh thần trách nhiệm và hiệu quả phục vụ nhân dân.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/thai-do-thuc-thi-cong-vu-la-mot-phan-thuoc-do-nang-luc-va-trach-nhiem-can-bo-1486918.ldo
HOÀNG VĂN MINH (BÁO LAO ĐỘNG)