Thông tư 29: Nguồn chi trả dạy thêm cho giáo viên ở đâu?
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14.2.
Các địa phương, nhà trường và giáo viên chuẩn bị thu xếp hoạt động dạy thêm, học thêm để đảm bảo thực hiện đúng quy định của Thông tư.
Đa số giáo viên quan tâm đến hoạt động dạy thêm trong nhà trường.
Theo quy định của Thông tư 29, có 3 đối tượng được học thêm trong trường: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Quy định rất đúng với thực tế.
Thứ nhất, không phải học sinh nào cũng có sức học, khả năng tiếp thu như nhau, sẽ có những em học lực yếu, cần phải được học phụ đạo, tăng cường kiến thức để theo kịp chương trình.
Thứ hai, có những học sinh nổi trội, học giỏi, xuất sắc, các em cần được bồi dưỡng nâng cao để đủ năng lực tham gia các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Trên thực tế, nhiều trường đã đào tạo những học sinh xuất sắc, giành huy chương vàng, bạc, đồng tại các kỳ thi Olympic. Trong 5 năm từ 2020-2024, học sinh Việt Nam giành 54 huy chương vàng, 60 bạc và 45 đồng, tỷ lệ học sinh có huy chương thường trên 90% mỗi năm.
Thứ ba là những học sinh có nhu cầu ôn thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh. Nhà trường là nơi các em tin cậy nhất để luyện thi, nhu cầu chính đáng này phải được đáp ứng.
Tuy nhiên, Thông tư 29 cũng quy định không thu phí hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Không thu phí là đúng, bởi vì đây chính là cách loại bỏ hoàn toàn các hoạt động dạy thêm vì mục đích thu tiền trong trường học.
Có điều, câu hỏi đặt ra là ai sẽ trả tiền thù lao cho giáo viên tham gia các lớp dạy thêm này?
Giáo viên dạy đủ các giờ học theo sự phân công của nhà trường là hoàn thành nhiệm vụ, những giờ dạy thêm ngoài chương trình phải được tính công. Trả thù lao giờ dạy thêm là bù đắp cho công sức của giáo viên, có thù lao mới có điều kiện để tái tạo sức lao động. Trả thù lao cho giáo viên dạy thêm là công bằng.
Không thu phí dạy thêm, phụ huynh không trả tiền, thì nhà trường phải trả, nhưng nhà trường lại không có nguồn để chi trả.
Trao đổi với Lao Động, hiệu trưởng một trường THCS ở TPHCM cho biết, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cấp kinh phí cho nhà trường chi trả cho giáo viên ôn thi.
Không chi trả cho giáo viên dạy thêm trong nhà trường thì hoạt động này khó tồn tại.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/thong-tu-29-nguon-chi-tra-day-them-cho-giao-vien-o-dau-1458869.ldo
LÊ THANH PHONG (BÁO LAO ĐỘNG)