Thời sự
Cập nhật lúc 12:13 06/02/2025 (GMT+7)
“Mang việc làm” đi tìm người lao động

Hàng loạt doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng… đang tích cực tìm kiếm lao động mới với mức thu nhập và đãi ngộ được đánh giá là hấp dẫn.

Thế nhưng, thực tế chứng minh, dù “trải thảm đỏ” với lương, thưởng và phúc lợi tốt, nhiều công ty vẫn không tuyển đủ lao động cần thiết.

Tâm lý “nhảy việc” sau Tết, mong muốn tìm kiếm nguồn thu nhập mới cao hoặc thích công việc linh hoạt hơn, thường được coi là nguyên nhân khiến doanh nghiệp thiếu hụt nhân sự trầm trọng vào đầu năm. Nhưng ngay cả trong năm, bài toán tuyển dụng ở các khu công nghiệp cũng không hề dễ dàng.

Một phần, do chính sách thu hút đầu tư của nhiều địa phương vệ tinh ngày càng cải thiện, khu công nghiệp mọc lên ở khắp tỉnh thành, tạo lực hút ngược lao động về quê.

Lực lượng lao động phổ thông không còn nhất thiết phải rời xa gia đình để đến các đô thị lớn; họ có thể tìm được việc làm tại chính địa phương mình với đãi ngộ tương đương. Bên cạnh đó, thị trường việc làm ngày càng linh hoạt, tạo ra vô số lựa chọn hấp dẫn cho giới trẻ.

Thậm chí, một bộ phận lao động đã từng thất nghiệp sau dịch COVID-19 cũng tìm được đường xuất khẩu lao động hoặc tiếp tục tự “làm chủ” thay vì trở lại dây chuyền sản xuất nhà máy.

Thực tế trên buộc các doanh nghiệp và chính quyền địa phương phải thay đổi suy nghĩ và hành động. Không ít doanh nghiệp ở Đà Nẵng đã chọn hướng tiếp cận chủ động, bằng cách “mang việc làm” đi tìm người lao động.

Thay vì trông chờ người lao động tự tìm đến các sàn giao dịch việc làm như trước, họ bắt đầu tích cực sử dụng mạng xã hội để tuyển dụng hoặc tổ chức các hội chợ việc làm di động về đến tận các phường, xã. Nhờ đó, ứng viên không phải tốn công sức lặn lội đường xa, vẫn tiếp cận được thông tin tuyển dụng và thậm chí còn phỏng vấn trực tiếp ngay tại địa phương.

Ở Bình Dương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm bằng cả hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp; đồng thời, phối hợp với các tỉnh để xây dựng ứng dụng (app) và ứng dụng web (web app) “Việc làm phía Nam”, giúp thị trường lao động liên vùng được kết nối sâu rộng.

Rõ ràng, thị trường lao động chuyển biến nhanh đòi hỏi các doanh nghiệp và đơn vị giới thiệu việc làm phải tư duy linh hoạt, sáng tạo, liên tục đổi mới cả quy trình sản xuất lẫn khâu tuyển dụng nhân lực.

“Mang việc làm” đi tìm người lao động là hướng đi tích cực, nhưng quan trọng hơn hết, các doanh nghiệp cần sẵn sàng thay đổi cách quản trị, cách chăm lo con người, để thật sự hấp dẫn và giữ chân lao động.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/mang-viec-lam-di-tim-nguoi-lao-dong-1459161.ldo

HOÀNG VĂN MINH (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: