Văn học nghệ thuật gắn kết hàng triệu người Việt Nam thành khối đại đoàn kết
50 năm sau ngày đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật Việt Nam không ngừng lớn mạnh, là nguồn lực tinh thần đặc biệt trong xây dựng và phát triển đất nước.
Ông Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - nhấn mạnh, 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật Việt Nam không ngừng lớn mạnh. Ảnh: Trần Vương
Chiều 18.4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) - Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”.
Dự và chủ trì hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu chủ trì hội thảo. Ảnh: Trần Vương
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - khẳng định, văn học nghệ thuật luôn giữ vai trò đặc biệt trong các triều đại lịch sử của dân tộc. Văn học nghệ thuật không chỉ là tiếng nói mà còn là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, là sức mạnh tinh thần vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Sau ngày đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, văn học nghệ thuật Việt Nam bước sang một giai đoạn mới. Giai đoạn sáng tạo trong hòa bình, dựng xây đất nước.
Văn học nghệ thuật tiếp tục là cầu nối thiêng liêng, gắn kết hàng triệu con người Việt Nam, dù đang sống trên quê hương hay ở khắp năm châu, kết lại thành một khối đại đoàn kết vững chắc.
Chính từ những tác phẩm văn học nghệ thuật lay động lòng người đã tiếp thêm niềm tin, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước, nuôi dưỡng tình yêu sâu nặng với quê hương và ý chí vươn lên vì một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường.
Ông Nguyễn Duy Bắc nhấn mạnh, 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò là nguồn lực tinh thần đặc biệt, đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
“Trước yêu cầu mới của thời đại và kỷ nguyên mới trong sự phát triển của đất nước, văn học nghệ thuật Việt Nam cần được tiếp tục định hướng vững vàng và đầu tư một cách chiến lược, bài bản. Đầu tư cho văn học nghệ thuật không chỉ là phát triển một lĩnh vực văn hóa mà chính là đầu tư cho nguồn lực mềm của quốc gia, đầu tư cho sự phát triển con người, đầu tư cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình” - ông Nguyễn Duy Bắc nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Trần Vương
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho hay, Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - hòa bình, thống nhất, đồng thời cũng mở ra cho văn học nghệ thuật nước nhà một không khí mới, không gian mới, thống nhất, giao hòa, phát triển trong tính tổng thể, tiến bộ, cách mạng, bắt nhịp, cổ vũ, đồng hành với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
50 năm cũng là khoảng thời gian cho phép chúng ta nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về những ưu điểm, kết quả, thành tựu và những hạn chế, bất cập, non kém của đời sống văn hóa văn nghệ, thêm một lần nữa nhận thức rõ hơn sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước; sự đổi mới, kiên trì, linh hoạt của các cơ quan làm công tác văn hóa, văn nghệ từ trung ương đến địa phương; sự nỗ lực của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả trong và ngoài nước.
https://laodong.vn/thoi-su/van-hoc-nghe-thuat-gan-ket-hang-trieu-nguoi-viet-nam-thanh-khoi-dai-doan-ket-1493429.ldo
VƯƠNG TRẦN (BÁO LAO ĐỘNG)