Thời sự
Cập nhật lúc 11:16 25/12/2024 (GMT+7)
Viện Huyết học - Truyền máu TƯ ghép gần 700 ca tế bào gốc

Một trong những kỹ thuật, phương pháp hiện đại được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương áp dụng trong điều trị là ghép tế bào gốc.

Viện Huyết học - Truyền máu TƯ ghép gần 700 ca tế bào gốc
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đón nhận bằng khen tại Lễ kỉ niệm 40 năm Ngày Thành lập Viện. Nơi đây đã thực hiện hàng trăm ca ghép tế bào gốc. Ảnh: Trần Chiến

Ngày 24.12, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức lễ kỉ niệm 40 năm Ngày Thành lập Viện (31.12.1984 – 31.12.2024). Tại lễ kỉ niệm, PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 đơn vị là: Khoa Huyết học - Truyền máu và phòng Bệnh máu C5; với tên gọi ban đầu là Viện Huyết học và Truyền máu, thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Sự ra đời của Viện khẳng định nhu cầu tất yếu phải phát triển chuyên khoa Huyết học - Truyền máu để đáp ứng cho công tác cấp cứu và điều trị.

Đến ngày 8.3.2004, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, trực thuộc Bộ Y tế.

Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, trải qua 40 năm hình thành và phát triển, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; trở thành đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và luôn giữ vững chất lượng chuyên môn của Viện đầu ngành về chuyên khoa Huyết học - Truyền máu trên toàn quốc.

Một trong những kỹ thuật, phương pháp hiện đại được Viện áp dụng trong điều trị là ghép tế bào gốc. Viện đã triển khai những ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên từ năm 2006 và ghép tế bào gốc đồng loài phù hợp hoàn toàn từ năm 2008. Đến nay, Viện đã thực hiện 663 ca ghép, là một trong 2 đơn vị ghép tế bào gốc nhiều nhất và có chất lượng tại Việt Nam.

Nhiều phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau được áp dụng như: ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hòa hợp, ghép nửa hòa hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn… Kỹ thuật ghép tế bào gốc được ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh lý hơn và độ tuổi ghép ngày càng được mở rộng. Đặc biệt, việc điều trị biến chứng sau ghép đã đạt được nhiều bước tiến bộ vượt bậc, đem đến cơ hội sống cho ngày càng nhiều người bệnh.

Đến nay, Viện đã có 9 khoa lâm sàng với số lượng bệnh nhân điều trị nội trú luôn duy trì từ 1.100 đến 1.300 bệnh nhân mỗi ngày.

Vai trò của xét nghiệm HLA trong ghép tế bào gốc. Ảnh: Gia Thắng
Vai trò của xét nghiệm HLA trong ghép tế bào gốc. Ảnh: Gia Thắng

Với nhiều phòng xét nghiệm được đánh giá là labo dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực huyết học, hoạt động cận lâm sàng không chỉ đáp ứng nhu cầu tại Viện mà còn hỗ trợ công tác chẩn đoán và theo dõi điều trị cho nhiều bệnh viện khác tại Hà Nội và các tỉnh/thành phố phía Bắc. Năm 2024, Viện đã thực hiện 10.030.974 xét nghiệm, tăng gần 30 lần so với năm 2004.

Trong lĩnh vực truyền máu, Viện đã xây dựng được Trung tâm Máu Quốc gia đồng bộ, hoàn chỉnh từ tuyên truyền, vận động hiến máu, tổ chức tiếp nhận máu, sàng lọc, điều chế, lưu trữ, phân phối máu và các chế phẩm máu với công suất lớn, kỹ thuật hiện đại. Nếu như 2004, Viện chỉ tiếp nhận được hơn 36.500 đơn vị máu, 68% là hiến máu nhận tiền thì đến năm 2024, Viện đã tiếp nhận được 472.000 đơn vị máu toàn phần và 33.500 đơn vị tiểu cầu (chiếm 30% tổng lượng máu tiếp nhận của toàn quốc), tỉ lệ hiến máu tình nguyện đạt trên 96,2%. Từ đó đã cung cấp được trên 850.000 đơn vị chế phẩm máu đến 185 cơ sở y tế thuộc 33 tỉnh/thành phố.

https://laodong.vn/suc-khoe/vien-huyet-hoc-truyen-mau-tu-ghep-gan-700-ca-te-bao-goc-1440233.ldo

Lệ Hà (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: