Thời sự
Cập nhật lúc 06:08 22/02/2025 (GMT+7)
Xây dựng lộ trình hợp lý để tăng cường thu thuế thương mại điện tử

Bộ Tài chính lấy ý kiến về quản lý thuế thương mại điện tử (TMĐT), nhưng liệu cơ chế mới có khả thi. TS. Nguyễn Ngọc Tú chỉ ra thách thức và đề xuất giải pháp thực tế.

Xây dựng lộ trình hợp lý để tăng cường thu thuế thương mại điện tử
Việc thu thuế từ TMĐT là điều tất yếu trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Minh Ánh

Trao đổi với Báo Lao Động, TS. Nguyễn Ngọc Tú - nguyên Vụ trưởng Tổng cục Thuế, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Thuế, hiện nay là giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, dù dự thảo có nhiều điểm tiến bộ nhưng vẫn còn những khó khăn lớn trong việc quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh TMĐT.

Kiểm soát thuế trong TMĐT, không dễ như kinh doanh truyền thống

Theo TS. Nguyễn Ngọc Tú, một trong những vấn đề cốt lõi của việc thu thuế từ TMĐT là xác định doanh thu thực tế của hộ kinh doanh và cá nhân bán hàng trên nền tảng số.

“Trong kinh doanh truyền thống, việc quản lý thuế dễ hơn rất nhiều do hộ kinh doanh có địa chỉ rõ ràng, biển hiệu, mã số thuế, hoạt động theo quy trình pháp lý nhất định. Trong khi đó, nhiều cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT lại không có địa chỉ cố định, không đăng ký kinh doanh hoặc không kê khai thuế đầy đủ”, ông Tú phân tích.

Ông Tú cho rằng, hiện nay, các giao dịch trên sàn TMĐT rất đa dạng, không phải lúc nào cũng diễn ra trên nền tảng số. “Một số lượng lớn giao dịch vẫn được thực hiện ngoài sàn. Người bán và người mua có thể liên hệ trực tiếp và thanh toán bằng tiền mặt thông qua shipper. Khi đó, cơ quan thuế gần như không thể kiểm soát được dòng tiền này,” ông nói.

Bộ Tài chính đang đề xuất cơ chế khấu trừ thuế tại nguồn, theo đó, các sàn TMĐT sẽ thực hiện khấu trừ và nộp thuế thay cho người bán trước khi chuyển khoản cho họ. Tuy nhiên, theo ông Tú, biện pháp này chỉ khả thi nếu 100% giao dịch được thực hiện trên sàn và thanh toán không dùng tiền mặt. “Nếu người bán và người mua thỏa thuận thanh toán ngoài sàn, thì cơ chế khấu trừ thuế sẽ trở nên thiếu hiệu quả”, ông Tú nói thêm.

Cần sự phối hợp giữa các bên để tránh thất thu thuế
Ngoài việc yêu cầu các sàn TMĐT thực hiện nghĩa vụ khấu trừ thuế, TS. Nguyễn Ngọc Tú nhấn mạnh rằng, cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan để quản lý thuế hiệu quả hơn. “Không thể chỉ trông chờ vào các sàn thương mại điện tử, mà cần có sự tham gia của cơ quan thuế, chính quyền địa phương, ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán”, ông Tú đề xuất.

Ông Tú phân tích, nếu một hộ kinh doanh trực tuyến có kho hàng lớn nhưng không kê khai thuế, chính quyền địa phương phải nắm được thông tin và báo cáo cơ quan thuế để có biện pháp xử lý. Đồng thời, các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cũng có thể đóng vai trò trong việc giám sát dòng tiền, hỗ trợ kiểm soát doanh thu từ các nền tảng TMĐT.

Ông Tú cho hay, công nghệ cần được ứng dụng mạnh mẽ hơn trong quản lý thuế. “Chúng ta không thể kiểm soát bằng biện pháp thủ công được. Cần phát triển hệ thống dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích giao dịch trực tuyến, xác định đối tượng có nguy cơ trốn thuế và giám sát hoạt động kinh doanh trên nền tảng số”, ông Tú nhấn mạnh.

Tránh tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp

Một vấn đề khác mà chuyên gia này quan tâm là trách nhiệm của các sàn TMĐT trong việc thu hộ thuế. Theo dự thảo Nghị định, các sàn TMĐT sẽ phải chịu trách nhiệm kê khai, thu hộ và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên nền tảng của họ. Tuy nhiên, ông Tú nhận định, nếu không có cơ chế hỗ trợ phù hợp, điều này có thể trở thành gánh nặng cho các sàn TMĐT.

“Các sàn TMĐT không phải cơ quan thuế. Họ cũng là doanh nghiệp, nếu yêu cầu họ thu hộ thuế mà không có sự hỗ trợ về chi phí vận hành hoặc cơ chế bù đắp, điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ”, ông Tú nói.

Ông đề xuất, Bộ Tài chính nên xem xét mô hình bù đắp chi phí thu hộ cho các sàn TMĐT, tương tự như cách bưu điện thu hộ thuế hiện nay. Điều này giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp và đảm bảo cơ chế thu thuế thực tế hơn.

Tăng cường giám sát nhưng phải có lộ trình hợp lý

Về tổng thể, TS. Nguyễn Ngọc Tú đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện cơ chế thu thuế TMĐT. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng việc triển khai cần có sự linh hoạt.

“Không thể áp dụng ngay lập tức một cơ chế quá cứng nhắc mà không có sự chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật, con người và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu không làm tốt ngay từ đầu, có thể gây phản ứng tiêu cực từ thị trường và làm chậm tiến trình số hóa nền kinh tế,” ông Tú cảnh báo.

Theo ông Tú, thay vì áp dụng đồng loạt trên toàn quốc, có thể thí điểm trước tại một số sàn thương mại điện tử lớn, sau đó đánh giá tính khả thi rồi mở rộng dần. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích hộ kinh doanh chủ động kê khai thuế thay vì chỉ dùng biện pháp hành chính để áp đặt.

Chốt lại vấn đề, TS. Nguyễn Ngọc Tú khẳng định: “Việc thu thuế từ TMĐT là điều tất yếu trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có cơ chế thực thi hợp lý, minh bạch, tránh tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và đảm bảo sự công bằng giữa kinh doanh trực tuyến và truyền thống”.

Bộ Tài chính dự kiến sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định dựa trên các ý kiến đóng góp và trình Chính phủ xem xét trong thời gian tới. Nếu các vấn đề về quản lý thuế TMĐT không được giải quyết triệt để ngay từ đầu, nguy cơ thất thu thuế sẽ vẫn tiếp diễn, đồng thời gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường TMĐT Việt Nam.

https://laodong.vn/kinh-doanh/xay-dung-lo-trinh-hop-ly-de-tang-cuong-thu-thue-thuong-mai-dien-tu-1466740.ldo

MINH ÁNH (BÁO LAO ĐỘNG)

 
In
Về đầu
Lượt truy cập: