Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho biết, Luật Công đoàn 2024 cơ bản kế thừa và giữ nguyên các quy định về bảo vệ và bảo đảm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách ở cơ sở để họ yên tâm công tác, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là chức năng, nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn.
Nhằm bảo vệ hiệu quả hơn đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách, Luật Công đoàn 2024 sửa đổi quy định theo hướng, người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc chuyển làm công việc khác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của “công đoàn cấp trên trực tiếp.
Khoản 3 Điều 28 cũng quy định rõ hơn công đoàn là “đại diện theo pháp luật” cho cán bộ công đoàn để khởi kiện vụ việc lao động tại tòa án trong trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách bị người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật, trừ trường hợp cán bộ công đoàn từ chối. Trường hợp không thể trở lại làm công việc cũ thì được Công đoàn hỗ trợ tìm việc làm mới và trong thời gian gián đoạn việc làm được “hỗ trợ bằng tiền từ nguồn tài chính công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.
Đồng thời, để bảo đảm sự thống nhất, Luật đã bổ sung Điểm o, Khoản 2, Điều 31 về các nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn với nội dung: “Hỗ trợ cho cán bộ công đoàn không chuyên trách trong thời gian gián đoạn việc làm, không thể trở lại làm công việc cũ do bị người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật”.
https://laodong.vn/cong-doan/bao-ve-tot-hon-doi-voi-can-bo-cong-doan-khong-chuyen-trach-1457015.ldo