Với chiều dài bờ biển gần 200 km, Bình Thuận là 1 trong 3 ngư trường lớn nhất cả nước và là nơi có điều kiện thuận lợi, thế mạnh để phát triển kinh tế biển, đặc biệt nghề đánh bắt, khai thác thủy hải sản.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, hiện tỉnh có 5 nghiệp đoàn nghề cá với 548 đoàn viên của 55 tàu đánh bắt xa bờ, trực thuộc Liên đoàn Lao động thành phố Phan Thiết, Liên đoàn Lao động thị xã LaGi, Liên đoàn Lao động huyện đảo Phú Quý và Liên đoàn Lao động huyện Tuy Phong.
Các tàu cá hoạt động nghề cá trên vùng biển Bình Thuận. Ảnh: Duy Tuấn
Từ 14 năm trước, Bình Thuận là một trong hai tỉnh của cả nước được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thí điểm thành lập nghiệp đoàn nghề cá. Từ đó đến nay, các nghiệp đoàn nghề cá được thành lập đã góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ giữa người lao động và chủ thuyền. Đây là điểm tựa chăm lo đời sống và bảo vệ lợi ích chính đáng của ngư dân. Nghiệp đoàn nghề cá cũng góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường, ngư trường, nguồn lợi thủy sản, bảo vệ an ninh, trật tự trên biển và chủ quyền biên giới biển, đảo.
Qua một thời gian dài hoạt động, các nghiệp đoàn nghề cá ở Bình Thuận đã tổ chức Đại hội 2 lần và bầu được Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra. Do nguồn thu tài chính công đoàn hạn chế, tài chính công đoàn chỉ dành cho công tác chăm lo đoàn viên nên cán bộ nghiệp đoàn nghề cá không được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo quy định của Tổng LĐLĐVN. Bên cạnh đó, hầu hết các nghiệp đoàn nghề cá không có nguồn kinh phí nên ảnh hưởng đến việc thực hiện các phong trào thi đua và tham gia, tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội cũng như chăm lo, động viên, thăm hỏi đoàn viên.
Tàu cá ra vào cảng ở Bình Thuận. Ảnh: Duy Tuấn
Tuy nhiên, hoạt động của nghiệp đoàn nghề cá vẫn nhận được nhiều quan tâm, chỉ đạo của công đoàn cấp trên và đã được hỗ trợ hiện vật và tiền mặt, trị giá hơn 4 tỉ đồng. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận trực tiếp hỗ trợ, giúp trang bị 32 phương tiện thông tin liên lạc trên tàu cá và trên bờ, phao cứu sinh; đóng 50 bảo hiểm thân tàu, 2.000 bảo hiểm tai nạn thuyền viên, hỗ trợ kinh phí cho tàu bị chìm, ngư lưới cụ bị hỏng, thuyền viên bị tai nạn do thiên tai gần 1 tỉ đồng...
Cán bộ công đoàn của các nghiệp đoàn nghề cá mặc dù do đặc thù lao động, sản xuất nhưng cũng đã cố gắng tham gia đầy đủ các buổi tập huấn nghiệp vụ do công đoàn cấp trên tổ chức.
Cá vào cảng được bốc xếp lên xe. Ảnh: Duy Tuấn
Để duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các nghiệp đoàn nghề cá, trong thời gian đến, các đơn vị chức năng tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền quy định về tạo nguồn thu cho loại hình nghiệp đoàn cơ sở nói chung và nghiệp đoàn nghề cá nói riêng để có kinh phí hoạt động. Tăng cường các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo và nâng cao chất lượng đời sống vật chất cho đoàn viên các nghiệp đoàn để đoàn viên yên tâm vươn khơi, bám biển.
Đồng thời, chú trọng gắn kết ngư dân, liên kết cùng đánh bắt, tương trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn trên biển và chăm lo đời sống cho đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá ngày càng tốt hơn.
https://laodong.vn/cong-doan/duy-tri-nghiep-doan-nghe-ca-o-binh-thuan-du-kho-ve-kinh-phi-1465651.ldo