Trang chủTin tứcCông đoàn 24/7Hoạt động công đoàn
Hoạt động công đoàn
Cập nhật lúc 05:14 15/12/2024 (GMT+7)
Người lao động hồi hộp chờ thưởng Tết

Thưởng Tết là khoản người lao động trông đợi mỗi dịp cuối năm. Có người nhận thưởng xong đi làm… sổ tiết kiệm; có người ngậm ngùi với số tiền quá… hẻo!

Người lao động hồi hộp chờ thưởng Tết
Thời điểm này, nhiều lao động đang ngóng chờ khoản thưởng Tết. Ảnh: Vĩ Cường

5 năm không tăng thưởng Tết

Chị Đàm Thu Nga là nhân viên phòng kế toán, phụ trách thu mua hàng cho một doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà hàng tại địa bàn Hà Nội. Theo lời chị Nga, 5 năm nay doanh nghiệp nơi chị làm việc không tăng tiền thưởng Tết.

“Từ Tết năm 2019 đến nay, đều đặn nhân viên phòng kế toán chúng tôi được thưởng Tết 3 triệu đồng/người. Tôi nhớ Tết năm 2022, khi thấy mức thưởng giữ nguyên, chúng tôi có ý kiến thì lãnh đạo cho hay, do công ty liên tục tái đầu tư, nâng số lượng điểm bán/nhà hàng nên không còn nhiều nguồn lực. Chúng tôi thông cảm và không ý kiến. Thế nhưng, năm nay lãnh đạo đã có ý thông báo thưởng Tết… không thay đổi, chúng tôi cảm thấy rất buồn”, chị Nga nói.

Theo chị Nga, người lao động gắn bó lâu với doanh nghiệp sẽ luôn có sự chia sẻ, thông cảm trong những giai đoạn khó khăn hoặc bước ngoặt. Tuy nhiên, việc giữ nguyên tiền thưởng Tết trong 5 năm thì… khó chấp nhận trong bối cảnh vật giá leo thang; quan trọng hơn, việc làm ăn của công ty khá thuận lợi, suôn sẻ.

"Với 3 triệu đồng thưởng Tết, tôi cân đối cũng chỉ đủ mua ít đồ thắp hương cho gia đình, mua bán gì cũng khó...", chị Nga than thở.

Anh Đàm Văn Vinh, sinh năm 1985, là nhân viên làm việc tại 1 xưởng đúc composite ở phường Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội). Công việc hằng ngày của anh Vinh và gần 20 nhân công khá vất vả, độc hại. Mặt hàng xưởng chế tác thường là các sản phẩm đúc mỹ nghệ trưng bày hoặc mô hình trang trí.

“Chúng tôi ăn ở tại xưởng làm việc, lương theo 2 mức: Thợ cả (có 3 người) lương 14 triệu đồng/tháng; nhân công thuần túy lương 8,5 triệu đồng/tháng. Công việc của chúng tôi cũng không cố định chỉ ở xưởng hay chỉ làm việc ở Hà Nội, mà có thể đi lắp đặt các công trình khắp các địa phương”, anh Vinh nói.

Lao động làm việc cùng xưởng chế tác với anh Vinh, ai nấy đều ngóng thưởng Tết. Ảnh: Vĩ Cường
Lao động làm việc cùng xưởng chế tác với anh Vinh, ai nấy đều ngóng thưởng Tết. Ảnh: Vĩ Cường

Theo anh Vinh, thợ cả thường là cử nhân tốt nghiệp ngành điêu khắc hoặc ngành hội họa hoành tráng các trường mỹ thuật. Rất ít người gắn bó lâu dài, họ thường chỉ làm 1-2 năm, sau đó ra làm riêng hoặc chuyển sang lĩnh vực khác đỡ vất vả, độc hại hơn.

Những thợ cả theo nghề gần chục năm như anh Vinh là rất hiếm, cũng vì thế, mức lương 14 triệu đồng/tháng, theo anh, là không nhiều. “Chưa kể, nhiều năm nay khoản thưởng tết của chúng tôi cố định là 5 triệu đồng và 1 túi quà 500 nghìn đồng. Năm nay, anh em phập phồng chờ thưởng Tết, hy vọng đơn hàng khởi sắc thì tiền thưởng cũng khá hơn…”, anh Vinh cho hay.

“Ai cũng có cái khó”

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Text. Theo ông Minh, việc duy trì nhân sự, lương thưởng suốt mấy năm sau đại dịch là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp.

“Doanh thu của chúng tôi tăng trưởng dao động 4-5%/năm, đó còn là nhờ lãnh đạo liên tục đưa ra ý tưởng kinh doanh mới và mở rộng mặt hàng cung cấp. Doanh thu tăng nhưng các chi phí khác cũng tăng theo, chúng tôi chưa thể đảm bảo tăng lương, thưởng đều đặn cho gần 200 con người được. Thực tế ai cũng có cái khó, không doanh nghiệp nào không muốn tăng lương thưởng cho nhân viên nếu đảm bảo nguồn lực…”, ông Minh nói.

Ông Nguyễn Văn Ba, chủ một doanh nghiệp chế tác đá mỹ nghệ tại huyện Hà Trung (Thanh Hóa) cho hay, dù khó khăn, công ty của ông luôn cố gắng thưởng Tết 1 tháng lương và gói quà trị giá 1 triệu đồng. “Tôi luôn đặt mình vào vị trí anh em công nhân. 80% thợ của tôi là người địa phương, cùng huyện; còn lại ở 1 số huyện lân cận. Anh em về Tết ai cũng muốn chăm lo, sắm sửa cho gia đình nên dù khó mấy tôi cũng phải cố gắng.

Tết năm ngoái, nhờ tình hình kinh doanh khả quan, tôi mua trả góp tặng giám đốc kinh doanh 1 chiếc xe ô tô. Việc làm ấy như là động lực để tất cả cán bộ, nhân viên cùng nhìn vào và cố gắng. Tết năm nay, tôi dự kiến thưởng Tết 1,5 tháng lương/người. Nhiều công nhân độc thân cho hay, nhận thưởng Tết xong sẽ đi mở sổ tiết kiệm, dành dụm tiền cưới vợ...”, ông Ba cho biết.

Ông Lê Quang Trung – nguyên Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho hay, thưởng Tết thỏa đáng sẽ khiến người lao động trân quý, gắn bó hơn với công ty/doanh nghiệp. Người sử dụng lao động cần thực sự ý thứ, người lao động là tài sản quý giá nhất của mỗi đơn vị. “Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh tốt, vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp không thưởng bằng tiền mặt có thể thưởng bằng hiện vật cho người lao động, song việc thưởng gì cũng nên tham khảo ý kiến của người lao động đảm bảo tính thiết thực, ý nghĩa”, ông Trung nói.

https://laodong.vn/cong-doan/nguoi-lao-dong-hoi-hop-cho-thuong-tet-1435537.ldo

Quỳnh Chi (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: