Nhiều khu đô thị tại Hà Nội chưa được kết nối vào mạng lưới giao thông chung đã tạo ra những điểm nghẽn nghiêm trọng. Ảnh minh họa Hữu Chánh
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, mặc dù đã hoàn thiện hạ tầng hoặc có dân cư sinh sống, các khu đô thị này vẫn chưa kết nối với hệ thống giao thông chung của thành phố. Thực trạng này đang dẫn đến tình trạng tắc nghẽn cục bộ tại nhiều khu vực, là một trong những nguyên nhân chính gia tăng áp lực lên hạ tầng giao thông đô thị.
Vướng giải phóng mặt bằng đường Mai Chí Thọ (quận Long Biên, TP Hà Nội) bị cụt không thể kết nối. Ảnh: Hữu Chánh
Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do nhiều chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, đặc biệt là chưa được Bộ Xây dựng nghiệm thu hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Khi chưa có biên bản nghiệm thu, dự án không thể bàn giao cho chính quyền quản lý, đồng nghĩa với việc không được kết nối vào hệ thống giao thông chung.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Thanh (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam) cho rằng, thực trạng trên phản ánh sự thiếu đồng bộ trong triển khai dự án và cơ chế quản lý nhà nước. Nếu không được tháo gỡ kịp thời, các khu đô thị bị "cô lập" về hạ tầng sẽ tiếp tục gây cản trở dòng lưu thông đô thị, kéo dài tình trạng ùn tắc, đồng thời làm giảm hiệu quả của đầu tư công.
Ông Nguyễn Văn Thanh phân tích, hạ tầng giao thông nội khu cần được coi là một phần trong mạng lưới tổng thể. Nếu chờ nghiệm thu toàn bộ khu đô thị rồi mới kết nối hạ tầng sẽ làm chậm tiến độ vận hành, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Thực tế, nhiều khu đô thị tại Hà Nội đang tồn tại như những “khối xây dựng độc lập”, thiếu sự liên thông với hệ thống giao thông công cộng. Dù hạ tầng bên trong được đầu tư bài bản, nhưng lại bị “niêm phong” bởi rào chắn, cổng kiểm soát, và các tuyến đường nội khu không được mở ra các trục giao thông chính. Điều này không chỉ lãng phí mà còn đi ngược lại mục tiêu phát triển đô thị bền vững.
Đặc biệt, sự co cụm của các khu đô thị tại các quận nội thành và ven đô như Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm đang tạo ra những “điểm mù” trong quy hoạch. Thay vì trở thành một phần hữu cơ của đô thị, nhiều khu đô thị rơi vào trạng thái "đóng kín", không kết nối với xe buýt, không tạo luồng giao thông liên hoàn. Người dân bên ngoài không thể đi xuyên qua, người dân bên trong lại gặp khó khăn khi ra ngoài vào giờ cao điểm.
Cùng đó, ông Đỗ Văn Thạch - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Dova Land (tại Thanh Xuân, Hà Nội) - cũng cho rằng, tình trạng các khu đô thị “khép kín” không chỉ làm gián đoạn dòng chảy giao thông mà còn hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ công cộng như phương tiện vận tải, trường học, bệnh viện, chợ dân sinh...
Theo đó, không chỉ 16 khu đô thị được nêu, Hà Nội cần tiến hành rà soát toàn bộ 262 khu đô thị đã và đang triển khai trên địa bàn, nhằm nhận diện các bất cập trong hạ tầng giao thông và có hướng điều chỉnh tổng thể, đảm bảo kết nối, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, sớm đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến nghiệm thu, bàn giao hạ tầng kỹ thuật - đặc biệt là đường giao thông - theo hướng linh hoạt, cho phép tách phần giao thông ra để sớm đưa vào khai thác, tránh để “đóng băng” hạ tầng, gây ách tắc đô thị.
Đối với các khu đô thị đã hoàn thành hạ tầng, cần sớm tháo dỡ các rào chắn đang ngăn cách giữa các tuyến đường nội khu với mạng lưới giao thông chung, gồm: Khu đô thị mới An Hưng; Khu đô thị Lê Trọng Tấn - Park City Hanoi; Khu đô thị Dương Nội (quận Hà Đông); Khu đô thị sinh thái Sài Đồng; Khu công viên công nghệ phần mềm tại phường Phúc Lợi; Dự án hỗn hợp thuộc khu công viên công nghệ phần mềm (quận Long Biên); Khu trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở Hapulico (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân); Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây (quận Bắc Từ Liêm); Khu đô thị mới Thịnh Liệt; Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 - The Manor Central Park (quận Hoàng Mai) và Khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì).
Bên cạnh đó, còn có 5 khu đô thị đã đưa vào khai thác nhưng chưa hoàn thiện một số tuyến đường nội khu để kết nối với mạng lưới giao thông của thành phố, gồm: Khu đô thị mới Cổ Nhuế; Cụm nhà cao tầng CT1 thuộc khu đô thị Nam Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm); Khu chức năng đô thị Đại Mỗ - giai đoạn I (phường Đại Mỗ); Khu chức năng gồm cây xanh, hồ điều hòa, công trình công cộng và nhà ở tại phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) và Khu chức năng đô thị tại số 74 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân).
https://laodong.vn/giao-thong/16-khu-do-thi-chua-mo-loi-ha-noi-doi-mat-nguy-co-un-tac-keo-dai-1493841.ldo