Thời sự
Cập nhật lúc 02:00 16/12/2024 (GMT+7)
Hạn chót trình phương án hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ GTVT

Trước ngày 20.12, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải sẽ làm việc với Bộ Nội vụ để hoàn thiện phương án sắp xếp bộ máy sau hợp nhất.

Hạn chót trình phương án hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ GTVT
Hợp nhất Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng, dự kiến tên của hai bộ sau hợp nhất là "Bộ Xây dựng và Giao thông". Ảnh: TTXVN

Tại Nghị quyết số 233/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.2024, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quán triệt nội dung định hướng và kế hoạch, tiến độ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Đề xuất phương án kiện toàn tổ chức bộ máy; có giải pháp giải quyết chế độ, chính sách và các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ.

Theo Ban Chỉ đạo Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, sẽ hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng. Dự kiến tên của hai bộ sau hợp nhất được quyết định là "Bộ Xây dựng và Giao thông".

Về cơ bản, công tác xây dựng báo cáo tổng kết Nghị quyết 18 và dự thảo đề án hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải đến nay đã hoàn thành.

Trong đó, Bộ Xây dựng không hình thành cấp tổng cục, không thành lập một số tổ chức hành chính có ở một số bộ khác như Vụ Thi đua - Khen thưởng, Cục Quản trị... mà các tổ chức này đều được tinh gọn thành các bộ phận bên trong các đơn vị trực thuộc Bộ. Bộ Xây dựng cũng là một trong những bộ đầu tiên bỏ mô hình phòng trong vụ.

Bộ Xây dựng cũng đã chuyển giao về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) 5 doanh nghiệp, thoái hết vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng chỉ còn đại diện chủ sở hữu tại 6 doanh nghiệp, giảm 10 doanh nghiệp, tương đương 62,5% tổng số doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trước đó.

Số đầu mối thuộc cơ cấu của 2 bộ trước khi hợp nhất là 42 đơn vị; trong đó Bộ Xây dựng có 19 đơn vị, Bộ Giao thông Vận tải có 23 đơn vị. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất còn 25-27 đơn vị, giảm tương đương 35-40% tổng số đầu mối.

Trong đó: khối tham mưu tổng hợp gồm 6 đơn vị; khối chuyên ngành có khoảng 14-16 đơn vị; khối sự nghiệp công lập 5 đơn vị.

Trước ngày 20.12.2024, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Xây dựng) sẽ tiếp tục tham mưu để lãnh đạo Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải làm việc với Bộ Nội vụ để hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức bộ máy sau hợp nhất, trình Ban Chỉ đạo Chính phủ.

Về cơ cấu Khối đơn vị sự nghiệp công lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như sau:

Số đơn vị sự nghiệp của 2 bộ trước khi hợp nhất có 32 đơn vị. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất giảm xuống chỉ còn 23 đơn vị (giảm 09 đơn vị, tương đương 28%).

Về khối tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp nhà nước do bộ làm đại diện chủ sở hữu, số doanh nghiệp do hai bộ làm đại diện chủ sở hữu trước khi hợp nhất có 14 doanh nghiệp (Bộ Xây dựng 6 doanh nghiệp; Bộ Giao thông Vận tải 8 doanh nghiệp).

Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, số lượng chỉ tiêu biên chế được giao của Bộ Xây dựng giảm 7,5%, đến nay chỉ còn 357 biên chế; giảm 565 người, tương đương 14% tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Xây dựng.

Đến năm 2024, Bộ còn khoảng 3.500 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, 380 người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.

https://laodong.vn/thoi-su/han-chot-trinh-phuong-an-hop-nhat-bo-xay-dung-va-bo-gtvt-1435918.ldo

PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: