Thời sự
Cập nhật lúc 07:42 28/05/2025 (GMT+7)
Kiểm tra chất lượng nhà ở xã hội, không lặp lại bài học hàng giả

Nhắc đến bài học buông lỏng quản lý về vấn đề hàng giả, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng nhà ở xã hội.

Kiểm tra chất lượng nhà ở xã hội, không lặp lại bài học hàng giả
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu làm rõ cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng nhà ở xã hội. Ảnh: Lâm Hiển

Chiều 27.5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh nêu rõ, triển khai thực hiện quy định của Luật Nhà ở năm 2023, Chính phủ đã chủ động rà soát những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện chính sách về phát triển nhà ở xã hội và đã báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương ban hành Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Trong đó, tập trung vào 6 nhóm chính sách để thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời, Chính phủ đã rà soát và bổ sung 3 nhóm chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Trong quá trình hoàn thiện, dự thảo Nghị quyết không quy định về chính sách Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đồng thời chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng cho phép chủ đầu tư được tính các chi phí này vào chi phí đầu tư của dự án.

Chính phủ cũng tiếp thu ý kiến đại biểu sẽ tiếp tục rà soát những vướng mắc, hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội để hoàn thiện Luật Nhà ở năm 2023 trong thời gian tới.

Cho ý kiến về nội dung này, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu thực tế, các dự án nhà ở xã hội triển khai chậm do thời gian xử lý thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý mất thời gian.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong dự thảo Nghị quyết cần quy định “thời gian cấp phép cho dự án nhà ở xã hội do Chính phủ quy định”.

"Cần phải đơn giản hóa thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa để làm sao cấp phép cho nhanh", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cùng với việc rút gọn thời gian triển khai dự án nhà ở xã hội, cần quan tâm tới bảo đảm chất lượng công trình và công tác phòng cháy, chữa cháy tại các công trình này.

Cần làm rõ giải pháp kiểm soát, bảo đảm chất lượng công trình nhà ở xã hội, bổ sung cơ chế kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng công trình sau khi hoàn thành dự án, tránh việc nhà ở xã hội không đáp ứng yêu cầu theo quy định.

“Vấn đề này thì ai chịu trách nhiệm kiểm soát, kiểm tra chất lượng công trình? Bộ Xây dựng hay UBND các tỉnh, thành phố?”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Nêu vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần làm rõ cơ quan chịu trách nhiệm ngay trong dự thảo Nghị quyết, tránh tình trạng "đổ thừa do luật quy định chưa rõ” dẫn tới không ai chịu trách nhiệm.

Nêu vấn đề hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là bài học trong buông lỏng quản lý; tới khi chuyện xảy ra thì không thấy đơn vị nào chịu trách nhiệm chính.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý không để ý kiến góp ý nào của đại biểu không được tiếp thu để khi Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo Nghị quyết có tỉ lệ đồng thuận cao. Đặc biệt, những vấn đề ách tắc trong thực tiễn cần phải tháo gỡ ngay trong nghị quyết này.

https://laodong.vn/thoi-su/kiem-tra-chat-luong-nha-o-xa-hoi-khong-lap-lai-bai-hoc-hang-gia-1513854.ldo

PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: