Krông Nô chú trọng dạy nghề, nâng cao đời sống người dân
Đắk Nông - Các lớp dạy nghề đã trở thành cầu nối giúp người lao động nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, từng bước phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Nô trao chứng chỉ nghề nấu ăn cho học viên. Ảnh: Thanh Tuấn
Theo UBND huyện Krông Nô, giai đoạn 2022-2024, huyện đã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Từ nguồn kinh phí của chương trình huyện đã tổ chức 20 lớp đào tạo nghề thuộc các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, thu hút gần 600 học viên tham gia.
Người lao động nông thôn học nghề sửa chữa máy nông nghiệp. Ảnh: Thanh Tuấn
Học nghề đang dần trở thành xu hướng phổ biến, đặc biệt thu hút giới trẻ ở vùng sâu, vùng xa. Trong đó, các ngành nghề như: Điện dân dụng, sửa chữa máy móc nông nghiệp, nấu ăn, du lịch cộng đồng, dệt thổ cẩm... được đánh giá cao nhờ tính thực tiễn, dễ ứng dụng và khả năng tạo thu nhập ổn định.
Anh Trần Lộc Hà, một người dân xã Nam Đà chia sẻ: “Trước đây tôi làm nghề tự do, thu nhập không ổn định. Nhờ tham gia lớp học nghề điện do địa phương tổ chức, tôi đã có kiến thức và tay nghề vững vàng".
"Giờ đây, tôi có thể tự sửa chữa điện sinh hoạt, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Qua đó, tôi có thể tiết kiệm chi phí và có thêm nguồn thu nhập” - anh Hà cho biết thêm.
Học viên được dạy nấu ăn để có thể tăng thêm cơ hội tìm kiếm việc làm. Ảnh: Thanh Tuấn
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, thời gian đào tạo nghề ngắn, chi phí hợp lý, nội dung sát với nhu cầu thực tế là những yếu tố giúp các khóa học nghề như điện dân dụng, sửa máy nông nghiệp trở thành lựa chọn phù hợp cho nhiều người dân.
Sau khi hoàn thành khóa học, học viên có thể xin làm việc tại các công trình dân dụng, doanh nghiệp hoặc tự khởi nghiệp với dịch vụ sửa chữa tại nhà.
Chị Hà Thị Đức, người dân tộc Mường ở thôn Buôn Choáh, xã Buôn Choáh sau khi hoàn thành khóa học nấu ăn tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên đã mạnh dạn khởi nghiệp với dịch vụ nấu tiệc cưới.
Các lớp dạy nghề giúp người lao động thuận lợi tìm kiếm công việc ổn định. Ảnh: Thanh Tuấn
Cơ sở của chị hiện tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Theo đánh giá, học nghề không chỉ mở ra cơ hội thoát nghèo mà còn là bước đi quan trọng giúp người dân vươn tới cuộc sống tự chủ, bền vững.
Ông Trần Thái Châu - Bí thư Đảng ủy xã Nam Đà nhận định: “Các lớp đào tạo nghề đã mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số".
Theo ông Châu, hiệu quả của công tác dạy nghề là người dân không chỉ được nâng cao trình độ nhận thức mà còn được tiếp cận được với thiết bị, công nghệ mới. Từ đó, người dân có thể ứng dụng vào sản xuất, đời sống và tạo thêm cơ hội việc làm ổn định.
Các lớp nghề luôn thu hút đông đảo người lao động tham gia. Ảnh: Thanh Tuấn
Ông Nguyễn Xuân Danh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô khẳng định, thông qua việc đào tạo nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, chất lượng nguồn lao động trên địa bàn từng bước được cải thiện, góp phần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu.
Chương trình đã góp phần hình thành lực lượng lao động có kỹ năng, phục vụ cho sự phát triển của các ngành nông, lâm nghiệp, thủ công nghiệp và du lịch cộng đồng.
"Khi đời sống người dân ngày càng được nâng cao, sự ổn định an ninh - trật tự xã hội, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, cũng được đảm bảo vững chắc hơn" - ông Danh chia sẻ.
https://laodong.vn/xa-hoi/krong-no-chu-trong-day-nghe-nang-cao-doi-song-nguoi-dan-1502644.ldo
BẢO LÂM (BÁO LAO ĐỘNG)