Đề xuất viên chức được thành lập và quản lý doanh nghiệp
Dự án luật đã quy định thêm đối tượng được thành lập, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp bao gồm viên chức.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Ảnh: Quochoi.vn
Thông tin trên được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi nêu trong báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, sáng 9.5.
Chủ nhiệm Phan Văn Mãi cho biết, các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự án luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Dự thảo luật có các quy định theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước về doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu cải cách môi trường đầu tư kinh doanh.
Bãi bỏ quy định về việc người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan đăng ký kinh doanh; bãi bỏ 2 nội dung quy định về tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số và quy định về nội dung tài khoản đăng ký kinh doanh.
Dự thảo luật sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp, bổ sung trường hợp viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được quyền góp vốn vào doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trừ viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.
Trường hợp viên chức là người lao động thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập; trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp.
Theo Chủ nhiệm Phan Văn Mãi, việc nhắc lại quy định này tại Luật Doanh nghiệp vừa không cần thiết, vừa tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm đồng bộ giữa các dự án Luật cùng trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, vừa không rõ mối quan hệ giữa các luật.
Hiện nay, các văn bản này cũng đang có quy định không thống nhất về đối tượng viên chức được thành lập, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát Luật Viên chức để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đề nghị rà soát, làm rõ có bao gồm trường hợp chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án.
Cân nhắc sự cần thiết quy định về tình trạng pháp lý bao gồm không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, nhất là trong bối cảnh hiện nay thực hiện chuyển đổi số, phát triển các hình thức kinh doanh mới.
Nghiên cứu bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về “tình trạng pháp lý của doanh nghiệp” phù hợp với việc quy định chi tiết nội hàm tình trạng pháp lý tại văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.
https://laodong.vn/thoi-su/de-xuat-vien-chuc-duoc-thanh-lap-va-quan-ly-doanh-nghiep-1503840.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)