Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có nhiều nội dung đáng chú ý. Ảnh: Hải Nguyễn
Mở rộng lưới an sinh cho người lao động phi chính thức
Một trong những điểm đổi mới nổi bật là việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo hướng bao trùm hơn. Dự thảo đề xuất cho phép người lao động không có quan hệ lao động - thường gọi là lao động tự do, lao động phi chính thức - được tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở tự nguyện.
Đây là bước tiến quan trọng nhằm tăng độ bao phủ của chính sách an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh lao động phi chính thức vẫn chiếm khoảng 60% tổng lao động cả nước. Việc tạo cơ hội cho nhóm lao động này tiếp cận quyền lợi BHTN sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro, bất bình đẳng và thúc đẩy an sinh toàn diện hơn.
Một vấn đề nhận được nhiều ý kiến đóng góp là nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo dự thảo hiện hành, người lao động được hưởng 60% mức lương trung bình 6 tháng liền kề, nhưng không vượt quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.
Nhiều chuyên gia và cán bộ công đoàn cho rằng, nên bỏ trần giới hạn 5 lần lương tối thiểu để phản ánh đúng nguyên tắc “đóng - hưởng” và tạo động lực cho người lao động tham gia chính sách này một cách đầy đủ. Việc điều chỉnh mức hưởng cũng là cách thể hiện tính ưu việt, công bằng và bền vững của chính sách BHTN trong dài hạn.
Phát triển thị trường lao động hiện đại
Theo bà Phan Thị Huệ - Phó Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam - công đoàn đã có nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển lao động nữ. Tuy nhiên, dù tờ trình dự thảo luật có nêu chủ trương hỗ trợ nhóm lao động này, nội dung cụ thể chưa được thể hiện rõ. Bà đề nghị bổ sung chính sách dành riêng cho lao động nữ - nhóm đối tượng vốn đang gặp nhiều rào cản trong tiếp cận việc làm, đào tạo nghề và phát triển nghề nghiệp, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Bà Huệ cũng cho hay các hoạt động thi đua khen thưởng, hỗ trợ đào tạo hiện nay còn thiếu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Do đó, cần cụ thể hóa hơn nữa trong dự thảo luật các chính sách hỗ trợ về tài chính, đào tạo lại, và môi trường làm việc thân thiện với phụ nữ.
Việc đảm bảo bình đẳng giới không chỉ là yêu cầu của pháp luật trong nước mà còn là cam kết quốc tế của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP…
Dự thảo Luật cũng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, đổi mới hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và kết nối cung - cầu lao động. Theo đó, Nhà nước sẽ thúc đẩy mô hình dịch vụ việc làm chuyên nghiệp, minh bạch, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin thị trường lao động chính xác, kịp thời.
Đặc biệt, lần sửa đổi này cũng làm rõ một số khái niệm như “việc làm bền vững”, “việc làm phi chính thức”, “việc làm số” nhằm đảm bảo luật phù hợp với bối cảnh mới: Kinh tế số, chuyển đổi xanh, cách mạng công nghiệp 4.0. Những nội dung này không chỉ mang tính thời sự mà còn có ý nghĩa định hình hành lang pháp lý để thị trường lao động Việt Nam phát triển hiện đại, linh hoạt và bao trùm.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - với vai trò là tổ chức đại diện hợp pháp của người lao động - đã tích cực tham gia góp ý, phản biện và đề xuất nhiều nội dung quan trọng trong dự thảo. Từ việc tổ chức lấy ý kiến người lao động, cán bộ công đoàn ở cả hai miền, đến việc tham dự các phiên họp thẩm tra và gửi văn bản góp ý chính thức, tiếng nói của tổ chức Công đoàn đã góp phần định hình các nội dung trọng yếu trong dự thảo luật lần này.
Theo bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN), phần lớn các ý kiến từ phía công đoàn đã được cơ quan chủ trì tiếp thu và thể hiện trong bản dự thảo hiện hành. Điều đó cho thấy vai trò ngày càng lớn của Công đoàn trong việc bảo vệ và phát huy quyền lợi của người lao động thông qua hành lang pháp lý.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là một trong những văn bản pháp luật có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội. Việc sửa đổi lần này hướng tới mục tiêu không chỉ bảo vệ người lao động trong khu vực chính thức, mà còn mở rộng phạm vi đến nhóm phi chính thức - những người lao động dễ bị tổn thương nhất.
Với các điểm mới quan trọng, dự thảo luật kỳ vọng sẽ trở thành công cụ pháp lý hữu hiệu trong phát triển thị trường lao động hiện đại, công bằng, linh hoạt, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đang hướng tới trong giai đoạn tới.
Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 11.2024). Căn cứ Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 8.6.2024 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra trong tháng 5.
https://laodong.vn/cong-doan/luat-viec-lam-sua-doi-mo-rong-luoi-an-sinh-phat-trien-thi-truong-lao-dong-hien-dai-1502730.ldo