Thời sự
Cập nhật lúc 09:58 14/05/2025 (GMT+7)
Làm rõ hơn, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc

Đại biểu nhấn mạnh việc dự thảo bổ sung thêm nhiều nội dung đã làm rõ hơn, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Làm rõ hơn, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú tham dự phiên thảo luận sáng 14.5 tại Quốc hội. Ảnh: Phạm Đông

Sáng 14.5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) nêu một số ý kiến nhằm làm rõ tính cần thiết và định hướng nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Theo đại biểu, việc sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng giao nhiệm vụ về Mặt trận Tổ quốc cũng là nội dung quan trọng.

Trên tinh thần đó, đại biểu Tô Văn Tám cơ bản tán thành với phạm vi, nội dung sửa đổi nêu trong tờ trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp.

Dự thảo nghị quyết sửa đổi Điều 9, khoản 1 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó khẳng định Mặt trận là một bộ phận trong hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, đồng thời bổ sung thêm nhiều nội dung nhằm làm rõ hơn, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, các tổ chức chính trị và tổ chức xã hội.

Cơ bản tán thành với những nội dung này, song đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, nội dung bổ sung về việc “Mặt trận phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến cơ quan nhà nước” là cần thiết nhưng nên được quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc thay vì đưa vào Hiến pháp.

Theo ông, phản ánh, kiến nghị là một trong những hoạt động cụ thể thường xuyên của Mặt trận, và khi nói Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước thì bản thân nội hàm này đã bao gồm hoạt động trên.

Về tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu nhấn mạnh chủ trương rõ ràng của Đảng là xây dựng mô hình 2 cấp: cấp tỉnh và cấp cơ sở.

Chủ trương này không làm giảm vai trò quản lý nhà nước mà nhằm tinh giản tổ chức, xóa bỏ tầng nấc trung gian, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, đáp ứng kịp thời yêu cầu chính đáng của nhân dân.

Việc thể chế hóa chủ trương này trong Hiến pháp có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

Đại biểu Tô Văn Thám góp ý về việc sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Phạm Đông
Đại biểu Tô Văn Tám góp ý về việc sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Phạm Đông

Góp ý về kỹ thuật lập pháp, đại biểu đề xuất thay đổi cách diễn đạt trong dự thảo từ “tổ chức chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp dưới tỉnh” thành “tổ chức chính quyền địa phương theo hai cấp, cấp tỉnh và cấp cơ sở”.

Theo đại biểu, cách diễn đạt này đã được sử dụng trong nhiều nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phù hợp với quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng.

Về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm UBND, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc trực tiếp chỉ đạo, điều hành giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND xã.

Đại biểu đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn ngay trong luật này hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết tăng cường trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.

https://laodong.vn/thoi-su/lam-ro-hon-sau-sac-hon-ve-vi-tri-vai-tro-cua-mat-tran-to-quoc-1506491.ldo

PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: