Quy định về mức phụ cấp với giáo viên đang nghỉ thai sản
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời câu hỏi liên quan đến quy định về mức phụ cấp với giáo viên đang nghỉ thai sản.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời câu hỏi liên quan đến quy định tính phụ cấp với giáo viên đang nghỉ thai sản. Ảnh: Vân Trang
Vấn đề phụ cấp luôn nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều thầy cô. Bộ GDĐT đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến chủ đề này, trong đó, có câu hỏi của bà B.T.N như sau: "Giáo viên trường mầm non, tiểu học, THCS trong thời gian nghỉ thai sản theo đúng quy định thì đơn vị sử dụng lao động có phải thanh toán các loại phụ cấp theo lương cho giáo viên không? Giáo viên nghỉ thai sản không vượt quá thời gian quy định có được hưởng phụ cấp ưu đãi không?"
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ như sau:
Từ 1.1.2007, tên gọi Điều lệ Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã được thay thế bởi Luật BHXH. Luật BHXH quy định chế độ thai sản là BHXH bắt buộc.
Về nội dung quy định chế độ thai sản, Luật BHXH 2014 (đang có hiệu lực thi hành) có mục riêng về chế độ thai sản (Mục 2 Chương III), bên cạnh đó còn có các văn bản liên quan quy định về chế độ thai sản đối với người lao động. Luật BHXH không điều chỉnh những vấn đề liên quan đến phụ cấp ưu đãi người lao động trong các ngành nghề.
Quy định về phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập là nội dung được quy định tại Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg, Thông tư số 01/2006/TT-BGD&ĐT-BNV-BTC, là những văn bản đang còn hiệu lực thi hành.
Chi tiết phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo xem TẠI ĐÂY.
Điều 31, Mục 2 Chương III, Luật BHXH 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.
https://laodong.vn/giao-duc/quy-dinh-ve-muc-phu-cap-voi-giao-vien-dang-nghi-thai-san-1494733.ldo
Vân Trang (báo lao động)