Thời sự
Cập nhật lúc 08:55 11/02/2025 (GMT+7)
Tập đoàn Hòa Phát muốn khai thác mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhắc đến một doanh nghiệp khai thác mỏ sắt Quý Sa tại Lào Cai có vi phạm.

Tập đoàn Hòa Phát muốn khai thác mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay có 2 mỏ sắt là Quý Sa của Lào Cai và Thạch Khê của Hà Tĩnh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 10.2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cho rằng, mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế và Hòa Phát cũng vậy.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cam kết giai đoạn 2025 đến 2030 tăng trưởng tối thiểu 15%. Hiện nay toàn bộ ngành thép Việt Nam nhập khẩu khoảng 30 triệu tấn quặng làm nguyên liệu sản xuất thép, chiếm 95%.

Ông Trần Đình Long nhắc đến 2 mỏ lớn là Quý Sa và Thạch Khê. Mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, quy mô khoảng 500 triệu tấn, nằm tại Hà Tĩnh.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho rằng cần triển khai việc khai thác mỏ Thạch Khê để giải quyết cơ bản nguồn nguyên liệu hàng năm, tiết kiệm ngoại tệ.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ đồng tình với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vai trò vị trí, tầm quan trọng và những nỗ lực đóng góp của doanh nghiệp tư nhân trong phát triển kinh tế của đất nước.

Bộ Công Thương cũng chia sẻ những khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải. Thời gian tới, để tiếp tục khai thác phát huy tiềm năng to lớn của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đặc biệt là để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% GDP năm 2025, Bộ Công Thương đã kiến nghị các doanh nghiệp nhiều vấn đề.

Về việc khai thác mỏ sắt theo ý kiến của ông Trần Đình Long, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện nay có 2 mỏ Quý Sa của Lào Cai và Thạch Khê của Hà Tĩnh, riêng mỏ Thạch Khê đang chờ cấp có thẩm quyền quyết định.

Với mỏ Quý Sa có trữ lượng 120 triệu tấn của tỉnh Lào Cai đã cấp phép cho Công ty Thép Việt Trung từ năm 2007 và thời hạn kết thúc là năm 2020.

Công ty này có 45% vốn của thép Việt Trung, doanh nghiệp trong nước, 10% vốn của doanh nghiệp tỉnh Lào Cai và 45% vốn của doanh nghiệp Trung Quốc.

Đến năm 2020, thời điểm cuối cùng của giấy phép, doanh nghiệp này đã khai thác 20 triệu tấn/120 triệu tấn. Hiện nay còn 100 triệu tấn nữa, theo nguyên tắc trong quy hoạch 866 (Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - PV), mỏ này tiếp tục khai thác để phục vụ nhu cầu đất nước.

Nhưng theo quy định của pháp luật, mỏ này cần được làm thủ tục cấp mới chứ không phải kéo dài giấy phép từ đầu.

"Tôi cũng được biết là doanh nghiệp này có vi phạm, phải cấp mới, mà muốn cấp mới phải đóng cửa mỏ, muốn đóng cửa mỏ thì doanh nghiệp này phải hoàn tất thủ tục, nghĩa vụ tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ quyết định việc này. Sau đó Bộ Công Thương sẽ phối hợp thực hiện" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

https://laodong.vn/thoi-su/tap-doan-hoa-phat-muon-khai-thac-mo-sat-lon-nhat-dong-nam-a-1461137.ldo

HƯƠNG NHA (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: