Thời sự
Cập nhật lúc 03:21 11/02/2025 (GMT+7)
Ủng hộ quan điểm không dạy thêm, học thêm của Bộ GDĐT

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, quan điểm của Bộ là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm.

Ủng hộ quan điểm không dạy thêm, học thêm của Bộ GDĐT
Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ quan điểm liên quan đến quy định mới về dạy thêm, học thêm. Ảnh: MOET

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu của chương trình. Sau giờ học các môn theo chương trình, học sinh tham gia các hoạt động thể thao, mỹ thuật, âm nhạc, để phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề.

Đây là quan điểm rất đúng đắn, đáng ra phải thực hiện từ lâu, nhưng đến nay, giáo dục Việt Nam vẫn loay hoay trong vòng quay của dạy thêm, học thêm.

Muốn thoát ra khỏi chuyện học thêm, dạy thêm, trước hết cần điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông sao cho phù hợp, không quá tải đối với học sinh. Nếu lượng kiến thức bắt buộc phải hoàn thành nhiều, học sinh không còn thời gian để rèn luyện thể thao, tiếp cận với âm nhạc, nghệ thuật.

Để "học sinh không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui" như Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói, thì nhà trường phải giảm áp lực học hành cho học sinh, không chạy theo thành tích. Thời gian và không gian trường học là nơi để các em phát triển toàn diện, không phải đến để nhồi nhét kiến thức.

Chương trình học hợp lý, giáo viên dạy tốt, đảm bảo đa số học sinh nắm chắc kiến thức, sẽ bỏ được dạy thêm trong nhà trường. Nếu học sinh nào có nhu cầu học phụ đạo, học thêm những môn học năng khiếu, yêu thích, cứ tìm đến các trung tâm.

Không chỉ trách nhiệm của ngành Giáo dục, muốn thoát khỏi học thêm, dạy thêm, cần có vai trò và quyết định của phụ huynh. Còn rất nhiều phụ huynh bị "bệnh thành tích", muốn con mình trở thành học sinh giỏi, xuất sắc, tạo áp lực học hành lên con cái. Cha mẹ không yên tâm khi con mình không học thêm và tưởng đó là nhu cầu thật.

Nếu các bậc phụ huynh tự tin vào việc học của con cái, không quá chú trọng vào thành tích, thì không cần bắt con phải học thêm. Dần dần, thói quen hay "quán tính" học thêm sẽ không còn tồn tại trong xã hội.

Trong tương lai gần, cách dạy và học truyền thống sẽ được thay thế bằng những phương pháp hiện đại, có sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ, khi đó dạy thêm, học thêm chỉ còn là chuyện "ngày xửa ngày xưa".

Tuy nhiên, khi chưa có sự thay đổi lớn lao đó, ngành Giáo dục vẫn còn quản lý dạy thêm, học thêm thì phải quản thật tốt. Thông tư 29 đã được ban hành và chuẩn bị áp dụng vào đời sống, ngành Giáo dục phải thực hiện đúng quy định.

Đây là một bước cần thiết để tiến tới "không có học thêm, dạy thêm".

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ung-ho-quan-diem-khong-day-them-hoc-them-cua-bo-gddt-1461340.ldo

LÊ THANH PHONG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: