Thời sự
Cập nhật lúc 02:27 18/12/2024 (GMT+7)
Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững

Không chỉ đơn thuần là nguồn thu cho ngân sách, thuế còn là công cụ quan trọng để điều tiết kinh tế, phân phối lại tài sản, và thúc đẩy sự phát triển bền vững - tạo một môi trường bình đẳng cho tất cả các chủ thể kinh tế trong một đất nước.

Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững
Làm việc với KOICA Hàn Quốc chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác áp dụng CNTT trong quản lý thuế. Nguồn: Tổng cục Thuế

Mục tiêu thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết 23 là 8,3 triệu tỉ đồng. Đến hết năm 2024, ước đạt 7,1 triệu tỉ đồng, đạt 86,2% kế hoạch. Riêng ngành thuế đạt 6,1 triệu tỉ đồng, vượt dự toán 18,6%.

2021 - 2025 cũng là giai đoạn các doanh nghiệp “ngấm đòn” nặng nề nhất từ dịch bệnh COVID-19 cùng những biến động chưa từng có về địa chính trị toàn cầu. Việc duy trì sự cân bằng giữa các chính sách thuế cùng với các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp - là bài toán vô cùng thách thức mà ngành thuế và các cơ quan chức năng đã cùng nhau giải.

Thu đúng, thu đủ
Thành tích thu thuế nói trên không đến từ sự o ép với doanh nghiệp và người dân, mà đến từ việc thu đúng, thu đủ từ các hoạt động kinh tế.

Mở rộng cơ sở thuế, thu thuế đầy đủ với các hoạt động trước đó ngành thuế chưa “chạm” tới, là cách mà các cơ quan thuế đã miệt mài tiến hành trong những năm vừa qua.

Thuế là ngành nhạy cảm, bởi nó liên quan trực tiếp đến lợi ích của mỗi chủ thể trong nền kinh tế, dù là nhỏ nhất như những cá nhân tự buôn bán nhỏ lẻ, hay những tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia với mạng lưới vận hành phức tạp.

Không nói nhiều đến những thành tựu công nghệ, ngành thuế đang thầm lặng ứng dụng những thành tựu này trong việc quản lý bộ cơ sở dữ liệu khổng lồ. Từ đó mỗi thành phần kinh tế đều được xem xét, tạo điều kiện đóng thuế đúng và đủ, tránh những phiền nhiễu và ách tắc không đáng có.

Đánh giá về hệ thống thuế điện tử của Việt Nam, ông Noguchi Daisuke - Cố vấn trưởng dự án (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) cho rằng, hệ thống này “không thua kém so với các quốc gia khác và góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh toàn cầu”.

“Việc quản lý thuế của Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ gia tăng niềm tin từ các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững” - ông Noguchi Daisuke bổ sung.

Với triết lý khoan thư sức dân, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh, ngành thuế đồng thời nỗ lực đưa ra những giải pháp miễn giảm, gia hạn các khoản thuế.

Trong giai đoạn 2021 - 2024, ngành thuế đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn cho gần 3,7 triệu lượt người nộp thuế với 8 loại thuế và 36 loại phí với tổng số tiền gần 730.000 tỉ đồng. Chính sách này đã giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và người dân, kích hoạt nội lực sản xuất kinh doanh, tạo động lực hồi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần đảm bảo “mục tiêu kép” vừa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, vừa đảm bảo mục tiêu thu ngân sách.

Việc ưu đãi hàng trăm nghìn tỉ đồng tiền thuế trong một thời gian ngắn là chưa từng có đối với ngành thuế. Đây là kết quả của việc tham mưu giữa Tổng cục Thuế với các Bộ, Ban, Ngành khi tìm ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đứng trước nhiều khó khăn, bất lợi.

“Trước bối cảnh đó, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Thuế theo dõi sát sao sức khỏe doanh nghiệp, diễn biến kinh tế thế giới và trong nước, đánh giá tác động tới từng khoản thu, sắc thuế, địa bàn, nhận diện sớm những rủi ro, kịp thời tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội ban hành và triển khai đồng bộ các gói chính sách tài khóa mở rộng ngay từ đầu năm 2021 đến nay với quy mô lớn” - ông Mai Sơn cho biết.

Về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cho biết: “Cộng đồng doanh nghiệp phản ứng rất tích cực. Đó là sự đồng hành, chia sẻ rất đáng trân quý giữa cơ quan quản lý và đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt ngành thuế áp dụng công cụ quản lý hiện đại vào vận hành cũng như công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế được thực hiện đồng bộ từ cơ quan cấp trung ương đến các tỉnh, thành khiến cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng và kỳ vọng các chính sách này sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới”.

Phòng chống gian lận, kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh

Phòng chống gian lận trong việc thu thuế không chỉ giúp ngành thuế đạt thành tựu thu ngân sách, mà còn giúp kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh. Đóng góp cho ngân sách và được hưởng lợi từ ngân sách qua các hình thức hỗ trợ, là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi chủ thể kinh tế.

Xuất phát từ đó, công tác phòng chống gian lận thuế được ngành thuế đôn đốc thực hiện. Đó cũng là công tác ngày càng khó khăn, do các hình thức kinh doanh thay đổi liên tục, trong khi cơ sở dữ liệu ngày càng trở nên phức tạp, khó quản lý.

Công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế trên các lĩnh vực như khoáng sản, xăng dầu, dịch vụ ăn uống, lưu trú… cũng được triển khai quyết liệt, góp phần tăng thu NSNN hơn 41.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2021-2024.

Việc thu nợ, cưỡng chế nợ thuế cũng được thực hiện nghiêm túc, thu hồi vào NSNN khoảng 176.400 tỉ đồng tiền nợ các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu từ đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin - Tổng Cục Thuế cho hay: “Đến nay, ngành thuế đã xây dựng kho cơ sở dữ liệu về thuế trên nền tảng tích hợp và nền tảng dữ liệu lớn, để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin phục vụ công tác quản lý thuế và quản lý tuân thủ; Kết nối trao đổi thông tin với các đơn vị, Bộ ngành (Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Ngân hàng thương mại, Văn phòng công chứng,…) để thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ về người nộp thuế, gồm các thông tin kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sổ hộ khẩu điện tử, thông tin về đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao dịch mua bán bất động sản, chứng từ nộp thuế…)”.

Với sự kết nối sâu rộng đó, có thể nói mọi hành vi kinh tế của các chủ thể đều nằm trong tầm ngắm của các cơ quan thuế. Việc gian lận thuế, dù chưa thể khắc phục hoàn toàn, nhưng đã được kiểm soát chặt chẽ hơn. Việc kiểm soát này, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả với sự hỗ trợ của AI.

Chia sẻ với Lao Động, ông Mai Sơn - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế - cho biết: “Chúng tôi đã làm sạch cơ sở dữ liệu của cá nhân và hộ kinh doanh. Thời gian tới chúng tôi sẽ chuyển đổi mã số thuế của cá nhân và hộ kinh doanh khớp lại cơ sở dữ liệu về dân cư. Qua đó sẽ thống nhất sử dụng mã của người người nộp thuế (của cá nhân, hộ kinh doanh) chính là mã trên căn cước công dân. Như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả người nộp thuế, giúp họ ít phải quản lý những mã số của mình và qua đó, tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước cũng thống nhất được vấn đề định danh này. Chúng tôi cho rằng điều này sẽ giảm chi phí xã hội, chi phí cho người nộp thuế và các cơ quan quản lý”.

https://laodong.vn/kinh-doanh/thue-va-nen-tai-chinh-lanh-manh-cho-su-phat-trien-ben-vung-1436803.ldo

Thanh Uyên (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: