Chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, mất việc – minh chứng phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá
Năm 2023, thị trường lao động chịu nhiều rủi ro và thách thức, nhất là trong bối cảnh dư âm của dịch COVID-19 vẫn còn âm ỉ. Sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; xung đột giữa Nga - Ukraina; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt… làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn cũng bị giảm sút theo, dẫn đến tình trạng người lao động bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, có trên 500.000 người bị ảnh hưởng do sự khó khăn về thị trường lao động, trong đó có trên 54% người lao động mất việc làm, trên 40% giảm giờ làm.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động theo Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã ban hành Nghị quyết 06/NQ-TLĐ về hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng; tiếp tục ban hành Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng trong thời gian từ ngày 1.10.2022 đến hết ngày 31.3.2023; Kết luận số 02/KL-ĐCT về việc tiếp tục hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng theo Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 1.4.2023 đến hết ngày 31.12.2023. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31.1.2024. Đồng thời, ban hành Quyết định số 7785/QĐ-TLĐ ngày 25.8.2023 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng ban hành kèm theo Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt, tình trạng lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp trong các tháng cuối năm 2023 giảm.
Về phía tổ chức Công đoàn Việt Nam, trong thời gian từ ngày 1.10.2022 đến hết ngày 31.12.2023, thực hiện chính sách hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, các cấp công đoàn hỗ trợ 98.066 người với hơn 141,190 tỉ đồng. Đây là chính sách hết sức ý nghĩa, được ban hành kịp thời của tổ chức công đoàn trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh dẫn đến nhiều đoàn viên, người lao động chịu ảnh hưởng xấu về việc làm, giảm sút tiền lương, thu nhập. Điều đó thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của tổ chức Công đoàn Việt Nam khi dành nguồn lực để chăm lo cho đoàn viên, người lao động, góp phần đồng hành cùng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ kịp thời, giúp người lao động vượt qua khó khăn. Điều này đã được Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, đoàn viên, người lao động và xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Thế nhưng, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã xuyên tạc, phủ nhận quá trình xây dựng, thực thi và kết quả thực hiện chính sách xã hội của Việt Nam; trong đó có chính sách của Tổng LĐLĐVN về hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.
Đây chính là một đòn tấn công nguy hiểm vì nó hướng trực tiếp đến việc xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam; đồng thời công kích, chia rẽ mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn Việt Nam với giai cấp công nhân, người lao động. Do đó, cần phải nhận diện rõ những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch để tiếp tục khẳng định:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.
2. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
3. Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động.
MAI KHUYẾN