Nhận diện luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò của công đoàn trong vụ 62 công nhân thắng kiện tại Đà Nẵng
Việc đại diện cho người lao động (NLĐ) khởi kiện và thắng kiện Công ty CP Dệt Hòa Khánh khi Công ty này nợ lương, trợ cấp thôi việc cho NLĐ đã khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Với niềm tin và sự lựa chọn đầu tiên của người lao động khi ủy quyền khởi kiện thì không cần “lợi dụng chiến thắng” như luận điệu xuyên tạc của một số phần tử cơ hội trên không gian mạng, Công đoàn Việt Nam vẫn đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng được ủy quyền đại diện cho 62 trường hợp người lao động khởi kiện, đòi quyền lợi về tiền lương, trợ cấp thôi việc. Ảnh: X.H
Công ty CP Dệt Hòa Khánh hoạt động trong Khu công nghiệp Hoà Khánh – Thành phố Đà Nẵng với quy mô 117 lao động. Công ty CP Dệt Hòa Khánh nợ người lao động 3 tháng lương (tháng 11,12/2023, tháng 1/2024) với số tiền là 1,658 tỷ; hơn 4 tỷ đồng tiền trợ cấp thôi việc và nợ 9 tháng bảo hiểm xã hội.
Công đoàn Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng sau khi tổ chức nhiều buổi thương lượng, đàm phán cũng như tham gia các cuộc hòa giải giữa người lao động và doanh nghiệp. Do hòa giải không thành nên ngay khi được 62 người lao động ủy quyền, Công đoàn Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng đã chuyển đơn qua Tòa án Nhân dân quận Liên Chiểu khởi kiện Công ty CP Dệt Hòa Khánh với quyết tâm kết thúc vụ việc này trong năm nay; yêu cầu công ty phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Ngày 26/8, TAND quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng chính thức mở các phiên xét xử vụ 62 công nhân kiện Công ty CP Dệt Hòa Khánh - Đà Nẵng. Tại tòa, đại diện Công ty CP Dệt Hòa Khánh - Đà Nẵng đã trình bày những khó khăn của Công ty và mong muốn được trả các khoản nợ thành 2 đợt, cụ thể vào tháng 1/2025 và tháng 1/2026. Phía LĐLĐ TP. Đà Nẵng không đồng ý với nguyện vọng giãn nợ, yêu cầu Công ty thanh toán các khoản nợ tiền lương, tiền trợ cấp thôi việc cho công nhân theo đúng quy định pháp luật.
Sau 5 ngày làm việc, Hội đồng xét xử TAND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đã ra bản án, buộc Công ty Cổ phần Dệt Hòa Khánh phải chi trả toàn bộ các khoản nợ lương và trợ cấp thôi việc cho 62 người lao động, tổng số tiền lên tới 1,9 tỉ đồng.
Sau khi Công đoàn đại diện người lao động thắng kiện, theo quy trình sẽ có 15 ngày để bị đơn khiếu nại. Sau đó, sẽ thực hiện các thủ tục để chuyển qua thi hành án theo quy trình của pháp luật. Nhưng đến thời điểm này, có thể khẳng định đây là một thắng lợi lớn, đồng thời là sự đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực của các cấp Công đoàn Thành phố Đà Nẵng và sự kiên trì của người lao động trong suốt gần 2 năm theo đuổi vụ kiện.
Thắng lợi này, cùng với nhiều vụ kiện tương tự trước đó của tổ chức Công đoàn Thành phố Đà Nẵng, để lại những bài học giá trị về việc giải quyết tranh chấp lao động, được người lao động tin tưởng, được dư luận xã hội ủng hộ và báo chí chính thống trong nước lan tỏa sâu rộng.
“Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” là một tổ chức bất hợp pháp, được một vài cá nhân không phải là nhà báo đứng ra thành lập, thu nạp những đối tượng chống đối trong và ngoài nước, công khai tuyên bố theo đuổi mục tiêu đa nguyên chính trị, tư nhân hóa báo chí nhằm chống đối chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quản lý xã hội và báo chí. Theo https://www.baodanang.vn/xa-hoi/202408/62-cong-nhan-thang-kien-vu-tranh-chap-lao-dong-3984777/
Thế nhưng, với mưa đồ chống đối chính sách của Đảng và Nhà nước, phủ nhận những nỗ lực của tổ chức Công đoàn Việt Nam, công kích vào niềm tin của người lao động, một tổ chức bất hợp pháp đã rêu rao luận điệu xuyên tạc, cố tính gây hoài nghi về việc khi chiến thắng của công nhân Đà Nẵng đã bị lợi dụng để “chứng tỏ rằng Công đoàn của nhà nước đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi người lao động”.
Thực tiễn chứng minh, trải qua 95 năm hình thành và phát triển (28-7-1929 – 28-7-2024), được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành; là đại diện được giai cấp công nhân và người lao động tin cậy, gắn bó; là chỗ dựa vững chắc, người cộng tác đắc lực của cơ quan Nhà nước; là sợi dây nối Đảng, Nhà nước với quần chúng công nhân lao động. Đặc biệt, trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Với việc không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức Công đoàn Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế vững chắc trong lòng đoàn viên, người lao động. Các cấp công đoàn đã tích cực tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động tại Tòa án. Theo đó, nhiệm kỳ 2018-2023 đã tham gia quyết tranh chấp lao động tại tòa án cho 12.369 người trong đó tham gia tố tụng bảo vệ tại tòa án cho 7.705 người lao động; đại diện người lao động khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân cho 4.664 người, giúp người lao động nhận lại hoặc được bồi thường hơn 64 tỷ đồng. Trong bối cảnh các doanh nghiệp, đơn vị nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động ngày càng tăng do doanh nghiệp khó khăn, các cấp công đoàn đã tích cực đôn đốc, làm việc với người sử dụng lao động; phối hợp tham gia kiểm tra, giám sát, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp giảm thiểu tình trạng trên, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Những việc công đoàn đã làm, những kết quả công đoàn đã đạt được đều được công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người lao động được biết, được kiểm tra. Cho nên với luận điệu xuyên tạc, cố tính gây hoài nghi trên không gian mạng chỉ khiến dư luận xã hội hiểu sâu, nhận diện rõ bản chất của tổ chức bất hợp pháp này.
NGỌC AN