Hè về, công nhân tìm chỗ gửi con
Những ngày cuối tháng 5, khi tiếng ve bắt đầu râm ran cũng là lúc công nhân bước "vào mùa” tìm chỗ gửi con.
Nỗi lo gửi con dịp hè không chỉ là chuyện riêng của chị Vy mà là nỗi lo lắng của hàng ngàn công nhân đang phải đối mặt. Ảnh: Minh Hương.
Với chị Nguyễn Thị Vy - công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), nỗi lo ấy không chỉ là chọn lớp học thêm nào cho con, mà còn làm sao để có người trông các cháu an toàn, trong khi cha mẹ vẫn phải miệt mài tăng ca kiếm sống.
Chị Vy, quê Nghệ An, cùng chồng và hai con nhỏ sống trong căn phòng trọ rộng chưa đầy 20m² ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh.
Con gái lớn của chị năm nay lên 8 tuổi, vừa kết thúc lớp 2; bé nhỏ mới 4 tuổi, đang học mẫu giáo. Những ngày này, chị thấp thỏm không yên bởi chỉ còn vài ngày nữa là các con bước vào kỳ nghỉ hè. Nhưng kế hoạch gửi con vẫn chưa có.
“Năm ngoái vất vả lắm. Vợ chồng tôi phải thay phiên nhau nghỉ ca, nấu cơm, trông con. Chồng tôi chạy xe công nghệ, có hôm đi làm đêm, 6h tối phải về kịp để tôi chuẩn bị đi làm ca tối. Những hôm không xoay được, đành để hai chị em tự trông nhau, tôi đứng máy mà ruột gan nóng như lửa đốt” - chị Vy nhớ lại.
Giải pháp tạm thời năm ngoái là đón bà ngoại từ quê ra trông cháu. Nhưng năm nay bà đã yếu, đi lại khó khăn, chị không đành lòng làm phiền thêm.
Ông bà nội ở quê cũng đều ngoài 70, sức khỏe kém, chị không yên tâm gửi các con về trong thời gian dài. Những phương án quen thuộc dần đóng lại.
Chị từng nghĩ đến việc gửi bé nhỏ vào một nhóm trẻ tư nhân mở trong hè gần khu trọ. Nhưng khi tìm hiểu, học phí lên đến hơn 2 triệu đồng/tháng - bằng gần nửa tháng lương (chưa phụ cấp và tăng ca) của chị. Quan trọng hơn, những thông tin báo chí đăng tải về bạo hành trẻ em ở các cơ sở trông trẻ tự phát khiến chị lo lắng.
“Không thể đánh cược sự an toàn của con chỉ vì đi làm. Mỗi lần đọc tin trên báo về trẻ bị bạo hành là tôi rùng mình” - chị nói.
Giữa lúc ấy, anh Hùng - chồng chị - vẫn đều đặn chạy xe công nghệ từ sáng sớm đến tối muộn. Gần đây, giá xăng tăng, thu nhập của anh lại giảm.
Gia đình chị chi tiêu tằn tiện, căn phòng đang thuê có giá 1,8 triệu đồng mỗi tháng. Tiền ăn, tiền học cho hai con, cộng với tiền điện nước, thuốc men khiến mỗi tháng chi tiêu gần hết những gì hai vợ chồng kiếm được.
Nhiều đồng nghiệp của chị Vy chọn giải pháp gửi con về quê cả hè, có người mạnh dạn xin nghỉ không lương vài tuần để chăm con. Nhưng vấn đề tài chính không cho phép chị Vy xin nghỉ việc.
“Một ngày không làm là mất đi vài trăm nghìn đồng, chưa kể ảnh hưởng năng suất, bị trừ chuyên cần” - chị Vy cho hay.
Nữ công nhân chia sẻ, hai vợ chồng đã tính đến chuyện làm thêm vài năm nữa rồi về quê. “Ở quê có nhà bố mẹ để lại, có thể mở cửa hàng nhỏ hoặc chăn nuôi, trồng trọt sống qua ngày. Còn ở thành phố, sống mãi thế này không an cư lạc nghiệp được” - chị thở dài.
Nỗi lo gửi con dịp hè không chỉ là chuyện riêng của chị Vy. Hàng ngàn công nhân đang đối mặt với bài toán khó: Làm sao vừa đảm bảo an toàn cho con trẻ, vừa duy trì công việc mưu sinh.
Trong bối cảnh chưa có nhiều nhà trẻ hay trung tâm sinh hoạt hè dành cho con em công nhân thì mỗi mùa hè lại là một lần xoay sở đầy áp lực của những người lao động xa quê.
“Chỉ mong có nơi nào đó an toàn, chi phí vừa phải để con cái chúng tôi có thể chơi, học trong hè; để chúng tôi yên tâm làm việc, không phải lo nửa ngày về nhà kiểm tra con có an toàn không” - chị Vy trải lòng.
https://laodong.vn/cong-doan/he-ve-cong-nhan-tim-cho-gui-con-1513803.ldo
Minh Hương (BÁO LAO ĐỘNG)