Đó là nhận định của Phó Trưởng Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thu Phương tại Hội thảo “Đánh giá kết quả triển khai chính sách hỗ trợ về nhà trẻ mẫu giáo cho con CNLĐ theo quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP và Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Đề xuất chính sách”.
Bà Trần Thu Phương cho biết, do nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, lực lượng lao động nhập cư về các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế ngày càng nhiều đã làm gia tăng áp lực đối với các tỉnh, thành về công tác an sinh xã hội, đặc biệt là việc đảm bảo trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập, gửi trẻ của con, em người lao động trong đó có cấp học mầm non.
Mặc dù cơ sở vật chất trường, lớp mầm non tiếp tục được các cấp chính quyền và địa phương quan tâm đầu tư hàng năm, công tác xã hội hóa giáo dục mầm non được các tỉnh, thành có đông khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển giáo dục mầm non.
Song trên thực tế, hiện nay số lượng các trường mầm non, mẫu giáo, nơi chăm sóc nuôi dạy trẻ hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân có con trong độ tuổi gửi trẻ do số lượng các cháu ngày càng tăng nhanh.
Phó Trưởng Ban Nữ công nhận định, việc gửi con ở các nhà trẻ công lập tại khu công nghiệp tương đối khó khăn do công nhân khu công nghiệp chủ yếu là lao động nhập cư, không có hộ khẩu thường trú tại nơi đến trong khi khả năng nhận các cháu của nhà trẻ khu vực này có hạn.
Bà Trần Thu Phương cho hay, qua gần 4 năm triển khai Nghị định 145, 105, trong đó có gần 2 năm trong bối cảnh COVID-19 cho thấy một số hạn chế.
Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 tại Điều 8 quy định chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14.12.2020, Điều 81, Khoản 3 quy định:
Trẻ em mầm non là con của người lao động làm việc tại nơi có nhiều lao động được hưởng chính sách như đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động tại khu công nghiệp quy định tại Điều 8 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.
Trên thực tế hầu hết các địa phương tuân thủ triển khai thực hiện theo đúng quy định tại Điều 8, Nghị định 105/2020/NĐ-CP là hỗ trợ cho con công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp, chưa áp dụng chính sách hỗ trợ cho con công nhân lao động làm việc tại nơi có nhiều lao động (các cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao…) dẫn đến không công bằng cho các đối tượng có cùng điều kiện.
Về thực hiện Nghị định 145 còn bất cập: Việc xây dựng trường mầm non cho con công nhân cũng còn nhiều, bất cập như, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất không có quỹ đất, chưa có kinh phí để xây dựng. Một số tỉnh đã xây dựng trường, lớp mầm non cho trẻ nhưng hoạt động chưa hiệu quả do khoảng cách giữa nơi ở, nơi làm việc và nơi gửi trẻ xa, thời gian gửi trẻ và các khoản đóng góp của các trường chưa phù hợp với điều kiện của công nhân...
Bà Đỗ Hồng Vân - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, để thực hiện tốt vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho công nhân viên chức lao động, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức công đoàn với Chính phủ và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Trong những năm gần đây, tại các cuộc làm việc định kỳ hàng năm với Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã kiến nghị về chính sách nhà trẻ mẫu giáo dành cho con công nhân lao động, đều nhận được sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo và cụ thể bằng các chính sách ngày càng thiết thực hơn với người lao động.
https://laodong.vn/cong-doan/kho-khan-gui-con-cong-nhan-o-nha-tre-cong-lap-1417437.ldo