Chiều 23.12 diễn ra hội nghị sơ kết Chương trình phối hợp công tác năm 2023-2024 giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội chủ trì hội nghị.
Trong 2 năm 2023, 2024, hai bên đã dành sự quan tâm, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, góp phần hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Các hoạt động phối hợp đảm bảo thực chất, hiệu quả trên tinh thần công tâm, khoa học và khách quan hướng tới xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, công đoàn, an sinh xã hội.
Đặc biệt, việc phối hợp hoàn thiện Luật Công đoàn (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động phối hợp năm 2023, 2024 của hai cơ quan.
Bên cạnh đó, trong 2 năm 2023, 2024, Ủy ban Xã hội là cơ quan chủ trì thẩm tra nhiều dự án Luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn, như: Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế. Đây là những dự án Luật có ý nghĩa rất quan trọng trong lĩnh vực an sinh xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của hàng triệu người lao động.
Với vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Tổng Liên đoàn đã tích cực phối hợp với Ủy ban Xã hội tham gia xây dựng các dự án Luật thông qua việc nghiên cứu, tham gia ý kiến bằng văn bản; tham gia các hội thảo, hội nghị lấy ý kiến, hội nghị thẩm tra, các phiên họp kỹ thuật do Ủy ban Xã hội tổ chức...
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, chương trình phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ủy ban Xã hội trong 2 năm qua đã đạt những kết quả rất tốt đẹp, để lại những dấu ấn sâu sắc.
Đối với hoạt động phối hợp, đó là việc tập trung xây dựng và hoàn thiện các dự án Luật quan trọng trong lĩnh vực an sinh xã hội như: Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Việc làm, đặc biệt là Luật Công đoàn (sửa đổi) do Tổng Liên đoàn là cơ quan chủ trì soạn thảo và Ủy ban Xã hội là cơ quan chủ trì thẩm tra.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự nỗ lực của các bộ phận tham mưu, công tác phối hợp nhuần nhuyễn giữa hai cơ quan đã được triển khai thường xuyên và hiệu quả.
Ông Nguyễn Đình Khang cho biết, ở thời điểm này, Luật Công đoàn (sửa đổi) đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý mới cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nâng cao vị thế, khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, qua 2 năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định, đây là một trong những chương trình phối hợp hoạt động thiết thực, hiệu quả, được đánh giá, đo lường bằng những kết quả cụ thể.
Bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa hai bên trong thời gian qua rất hiệu quả, thực chất, công khai, minh bạch. Trong quá trình triển khai các hoạt động phối hợp, hai bên luôn luôn tham vấn, lắng nghe ý kiến của nhau.
Chủ nhiệm Ủy ban xã hội chúc mừng Luật Công đoàn (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý mới cho tổ chức Công đoàn. Bà Nguyễn Thúy Anh bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp trong thời gian tới.
Dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn" tới 11 cá nhân thuộc Ủy ban Xã hội và Văn phòng Quốc hội.
https://laodong.vn/cong-doan/tao-co-so-phap-ly-moi-cho-to-chuc-cong-doan-1439707.ldo