Chiều 24.12, Ban chỉ đạo công tác Gia đình và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh An Giang (Ban chỉ đạo) tổ chức Hội nghị Sơ kết phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 2023-2024 (phong trào).
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Nhật Tiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, bà Huỳnh Thị Như Lam - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cùng 120 đại biểu đại diện LĐLĐ, Phòng Văn hóa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đến dự.
Sau 2 năm phát động, phong trào đã được các cấp Công đoàn tích cực triển khai gắn với nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động công đoàn và học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Qua đó có 1.595/1.721 cơ quan (CQ), đơn vị (ĐV), doanh nghiệp (DN) đăng ký, đạt tỉ lệ 92,68%; 1.509/1.595 CQ, ĐV, DN đề nghị xét công nhận, đạt tỉ lệ 94,61%. Thông qua công tác kiểm tra, xét hồ sơ từ cơ sở, Ban chỉ đạo tỉnh đã họp xét và thống nhất công nhận 1.502/1.509 CQ, ĐV, DN đạt chuẩn văn hóa, đạt tỉ lệ 99,54%.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Nhật Tiến - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang, Phó Trưởng Ban chỉ đạo - cho biết, qua 2 năm phát động, các cấp Công đoàn bám sát sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai các phong trào thi đua cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đặc biệt 2 năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo động lực thúc đẩy đoàn viên, công nhân, lao động hăng hái tham gia lao động, sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, thành tựu, vẫn còn nhiều hạn chế. Nổi bật là việc nhiều chủ doanh nghiệp chưa quan tâm triển khai thực hiện. Trong khi đó, số lượng đoàn viên và Công đoàn cơ sở (CĐCS) lại khá lớn (117.032 đoàn viên/125.689 CNVCLĐ sinh hoạt tại 1.519 CĐCS), nhưng cán bộ Công đoàn chuyên trách còn thiếu nhiều so với yêu cầu nhiệm vụ nên có hạn chế trong việc kiểm tra, tổng hợp…
Theo ông Tiến, danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa là danh hiệu do Chính phủ quy định và giao cho tổ chức Công đoàn phát động, nhưng đến nay chưa được quy định trong Luật Thi đua khen thưởng, chưa có Thông tư quy định về kinh phí thực hiện nên các cấp Công đoàn chưa có căn cứ pháp lý và kinh phí để chi cho hoạt động xây dựng và công nhận danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Ban chỉ đạo, nhất là tổ chức Công đoàn trong việc phối hợp cùng trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường xây dựng danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần đoàn viên… Bà Thúy cũng lưu ý đến việc chú trọng đến chất lượng hơn số lượng và đề nghị từng thành viên phải phân tích, làm rõ nguyên nhân các doanh nghiệp chưa ủng hộ phong trào này để có giải pháp cải thiện trong thời gian tới.
https://laodong.vn/cong-doan/tren-1500-don-vi-doanh-nghiep-dat-danh-hieu-van-hoa-1440172.ldo