Trang chủChuyên đềNghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
Cập nhật lúc 02:32 28/11/2024 (GMT+7)
Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh”.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo_Ảnh: Thu Thanh

Hội thảo do các đồng chí: GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Đình Khang khẳng định: Xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và của toàn xã hội.

Hội thảo nhận được 22 tham luận chuyên đề sâu của các chuyên gia, nhà khoa học. Hội thảo là dịp để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng với các cơ quan ở Trung ương, địa phương nhìn nhận dưới cả lăng kính lý luận và thực tiễn sinh động về những khía cạnh địa vị chính trị, địa vị pháp lý, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, vấn đề tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, đây là dịp để đánh giá kết quả thực hiện những chủ trương, định hướng, giải pháp lớn về lao động, việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động; đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề chuyên môn, kỹ thuật; vấn đề tác phong, kỷ luật lao động, nâng cao năng suất lao động; hay vấn đề trí thức hóa công nhân…

Các đồng chí chủ trì hội thảo. Ảnh: Thu Thanh

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là một chủ trương rất quan trọng, đúng đắn và kịp thời, phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển mới của đất nước trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Các nhà kinh điển từng nêu ra nguyên lý giai cấp vô sản là do cuộc cách mạng công nghiệp sản sinh ra, nhưng thực tiễn cách mạng công nghiệp qua hơn một thế kỷ gần đây cho thấy, giai cấp công nhân còn là sản phẩm của cách thức mỗi quốc gia tham gia vào các cuộc cách mạng công nghiệp. Lịch sử ghi nhận rằng, đã có những quốc gia công nghiệp hóa mất hàng trăm năm nhưng các nước đi sau, do kế thừa thành quả và có cách làm riêng, đã rút ngắn lại còn 50 thậm chí 30 - 20 năm. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, những quốc gia tiến hành công nghiệp hóa thành công nhất thiết phải xây dựng được đội ngũ công nhân, người lao động có đủ năng lực, phẩm chất vận hành nền công nghiệp hiện đại.

Để chủ động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành các chủ trương, chính sách về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng giai cấp công nhân hiện đại trong điều kiện mới.

Trong tư duy lý luận của Đảng, giai cấp công nhân hiện đại vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của nền sản xuất công nghiệp hiện đại gắn với những thành tựu khoa học - công nghệ mới nhất, lao động có năng suất, chất lượng cao, có khả năng hội nhập quốc tế, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ; có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, hệ tư tưởng khoa học, được tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại chính là khâu chuẩn bị nhân lực cho giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển.

Sau gần 40 năm đổi mới, trong đó có hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 28-1-2008, về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bốn năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh đạt được những kết quả quan trọng: Giai cấp công nhân Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức, có tay nghề, kỹ năng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Cho đến nay, công nhân nước ta đã có hơn 15 triệu người, chiếm khoảng 15% dân số, 29% lực lượng lao động xã hội, tạo ra gần 70% giá trị tổng sản phẩm xã hội. Công nhân, lao động nước ta có trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lao động, tác phong công nghiệp ngày càng cao. Đến năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 27,2%, trong đó trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm khoảng 17%, chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao, như dầu khí, điện lực, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ hóa học, sinh học...

Giai cấp công nhân Việt Nam đã phát huy vai trò tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nòng cốt trong liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới chính là đạt được hai mục tiêu chiến lược 100 năm: đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.  

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giai cấp công nhân Việt Nam đóng vai trò chủ thể trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới sáng tạo, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Đồng thời, với những lợi thế của mình, giai cấp công nhân Việt Nam đã đóng vai trò trung tâm, nòng cốt của khối liên minh, cùng hợp tác, giúp đỡ, phối hợp hành động với nông dân và trí thức trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Công đoàn Việt Nam có đóng góp tích cực vào công tác xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh. Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đại diện cho người lao động. Công đoàn cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Công đoàn trực tiếp tham gia xây dựng chính sách liên quan đến công nhân, lao động; tham gia tuyên truyền, vận động giai cấp công nhân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tham gia đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo thiết thực đời sống công nhân, đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam phản ánh chính quá trình trưởng thành của công đoàn Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh còn những hạn chế, bất cập. Số lượng, chất lượng giai cấp công nhân, lao động nước ta chưa đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc đào tạo, bồi dưỡng công nhân, người lao động còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Một bộ phận công nhân nước ta giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị còn thấp, không đồng đều; sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế; chưa thiết tha phấn đấu vào Đảng, bàng quan, thờ ơ trước các sự kiện chính trị - xã hội, vận mệnh của dân tộc. Mặc dù các nghị quyết của Đảng đã nêu những quan điểm, giải pháp lớn để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh nhưng chậm được thể chế hóa, cụ thể hoá, hoặc thực hiện chưa có hiệu quả, chưa thật sự đi vào cuộc sống.

PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thu Thanh

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, giai cấp công nhân là lực lượng kết tinh trí tuệ, sức mạnh, bản lĩnh, tinh thần yêu nước, yêu lao động của dân tộc Việt Nam thời đại mới; là cơ sở chính trị - xã hội trọng tâm của Đảng và Nhà nước; đội ngũ nòng cốt trong khối liên minh công - nông - tri thức và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; có trách nhiệm vận hành những cơ sở và phương tiện sản xuất hiện đại của xã hội; là lực lượng giữ vai trò tiên phong trong mọi chặng đường cách mạng của dân tộc.

Trong bối cảnh mới, cần tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, ưu việt theo quan điểm, chỉ dẫn, tinh thần còn vẹn nguyên giá trị từ chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần “giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng”, phát triển Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng tươi đẹp, phồn vinh.

Dự báo xu hướng biến đổi của giai cấp công nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, giai cấp công nhân Việt Nam sẽ có những thay đổi mạnh mẽ trong những năm tới, chủ yếu là nhờ vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi nền kinh tế. Tuy nhiên, việc duy trì sự công bằng xã hội, cải thiện chất lượng đời sống và bảo vệ quyền lợi của công nhân vẫn sẽ là thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt trên con đường phát triển bền vững. Tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng một xã hội công bằng, hiện đại, nơi mà công nhân không chỉ đóng góp sức lực mà còn là lực lượng sáng tạo, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Để xây dựng một đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước phải liên tục đổi mới, sáng tạo và giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong bối cảnh thời đại mới. Trong đó, việc chăm lo cho giai cấp công nhân, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường chính sách bảo vệ quyền lợi công nhân sẽ là những yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước.

Kết luận Hội thảo, GS, TS Tạ Ngọc Tấn đánh giá: với tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, hội thảo khoa học “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh” đã hoàn thành tốt các nội dung, yêu cầu đề ra. Các phát biểu đã tập trung làm rõ những những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay, nhiều ý kiến thảo luận đã đưa ra một số giải pháp nhằm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Cụ thể:

Về lý luận, các ý kiến tham luận đều khẳng định, giai cấp công nhân là lực lượng kết tinh trí tuệ, sức mạnh, bản lĩnh, tinh thần yêu nước, yêu lao động của dân tộc Việt Nam thời đại mới; là cơ sở chính trị - xã hội trọng tâm của Đảng và Nhà nước; là đội ngũ nòng cốt trong khối liên minh công - nông - trí thức và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, ưu việt theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra thuận lợi, thời cơ cũng như nhiều thách thức, làm thay đổi cơ bản về tư duy, cách suy nghĩ, cách làm, cách sống của giai cấp công nhân; tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, những vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống cũng có nhiều tác động đến giai cấp công nhân. Vấn đề về xây dựng giai cấp công nhân hiện nay phải giải quyết hài hòa cả lý luận và thực tiễn; cần phải tiếp tục làm rõ hơn, tư duy về một giai cấp hiện đại, mang tính chất của kỷ nguyên mới. Hiện đại về tư tưởng, tư duy, về phong cách lao động, về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý. Xây dựng giai cấp công nhân có giá trị toàn cầu nhưng vẫn mang bản sắc văn hóa Việt Nam; giải quyết tốt mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc; giữa giai cấp công nhân với Đảng và hệ thống chính trị (trong đó giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo thông qua Đảng tiền phong). Để xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh thì cần phải đặt trong mối tương quan với mục tiêu phát triển đất nước, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.

Về thực tiễn, nội dung các tham luận, đặc biệt là tham luận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và 10 năm thực hiện Kết luận số 79-KL/TW, ngày 25-12-2013. của Bộ Chính trị (khóa XI), về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, đời sống vật chất, tinh thần của giai cấp công nhân từng bước được nâng cao; việc làm ổn định; tiền lương, thu nhập được cải thiện; môi trường làm việc bảo đảm an toàn, vệ sinh, lao động; quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, các cuộc tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể giảm. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ngày một tốt hơn; chế độ an sinh xã hội và phúc lợi xã hội phát triển… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn cho thấy một số vấn đề tồn tại, cấp bách của công nhân lao động chưa giải quyết triệt để.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh”. Ảnh: Thu Thanh

Về giải pháp, trước những hạn chế được nêu ra, các tham luận, ý kiến thảo luận thống nhất quan điểm, để xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh đáp ứng yêu cầu thực tiễn, các cấp, các ngành cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện lý luận về giai cấp công nhân trong điều kiện mới.

Hai là, nâng cao hiệu quả tham gia xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách đối với giai cấp công nhân; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; thực hiện tốt các chính sách, pháp luật và chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân; chú trọng đến chính sách việc làm, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh để tạo ra nhiều việc làm mới, thu hút ngày càng nhiều lao động vào làm việc; khích lệ, tạo cơ hội, điều kiện vật chất, tinh thần cho công nhân học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phát huy tài năng, trí tuệ, sự cần cù, tinh thần vượt khó, cống hiến; đẩy mạnh tiến độ thực hiện các đề án, dự án về nhà ở, các thiết chế văn hóa cho công nhân lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất; quan tâm chăm lo lợi ích, đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân.

Ba là, quan tâm bồi dưỡng ý thức chính trị, ý thức giai cấp, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho giai cấp công nhân; xây dựng, tổ chức tốt đời sống tinh thần, văn hóa cho công nhân; đầu tư thỏa đáng cho các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho công nhân lao động; đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm xây dựng và nâng cao ý thức chính trị cho công nhân; đổi mới tuyên truyền về hệ thống chính sách, pháp luật, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, văn hoá cho giai cấp công nhân.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh trí thức hóa công nhân, đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện thể chế kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh; tổ chức hệ thống thông tin thị trường lao động; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc bảo đảm sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong xã hội và trong mỗi doanh nghiệp để có hiểu biết thực chất về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, về trí thức hóa công nhân,… Ngược lại, công nhân lao động cần chủ động, tích cực nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò tầm quan trọng của chính mình trong sự phát triển chung của doanh nghiệp cũng như của toàn xã hội, xác định phương châm học suốt đời, làm giàu tri thức và kỹ năng nghề nghiệp, chủ động tiếp thu, ứng dụng khoa học - công nghệ mới, đồng thời sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng thích nghi với môi trường mới, công việc mới, yêu cầu mới.

Năm là, nâng cao năng lực tiếp cận, làm chủ khoa học - công nghệ của giai cấp công nhân Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng dự báo về nhu cầu nhân lực cho từng ngành nghề làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bố trí lao động trong tương lai dài, trung, ngắn hạn; cơ cấu lại ngành nghề đào tạo phù hợp với những ngành nghề ưu tiên phát triển; trong đào tạo đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; trong đào tạo cần kết hợp đào tạo tại trường với đào tạo thực tiễn tại các doanh nghiệp; các doanh nghiệp phải có kế hoạch sử dụng lao động, bố trí lại lao động, đào tạo lại song song với việc xây dựng phương án đầu tư thiết bị, công nghệ mới; có các chính sách bảo đảm an ninh việc làm, an sinh xã hội cho người lao động yếu thế, trong số lao động phải dịch chuyển trong quá trình ứng dụng khoa học - công nghệ mới có những lao động nữ, lao động đã có tuổi, trình độ không đáp ứng được yêu cầu mới.

Sáu là, đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12-6-2021, của Bộ Chính trị… Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn phù hợp với số lượng, cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế; mở rộng độ bao phủ của công đoàn trong các loại hình doanh nghiệp để tập hợp, phát triển đoàn viên; thu hút người lao động gia nhập tổ chức công đoàn từ hiệu quả của việc chăm lo lợi ích; xây dựng và củng cố niềm tin thông qua hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng để đoàn viên, người lao động gắn bó với tổ chức công đoàn; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức công đoàn, vừa bảo đảm sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng, nhất là quan điểm phát triển Công đoàn Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Bảy là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước đối với giai cấp công nhân; ban hành nghị quyết mới về xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh làm tiền đề để xây dựng Chiến lược phát triển giai cấp công nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, đặc biệt xây dựng đội ngũ công nhân trí thức; giữ vững, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng phải đi đôi với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; củng cố và tăng cường liên minh giai cấp công nhân - nông dân - trí thức; thúc đẩy mô hình quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ giữa người lao động với người sử dụng lao động, với tầng lớp thương nhân, giới chủ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; có giải pháp đấu tranh, phản bác những quan điểm sai lệch, phủ nhận vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Theo TCCS

In
Về đầu
Lượt truy cập: