Đại diện Ban Tổng Giám đốc và CĐCS Công ty Đại Dũng ký biên bản đối thoại. Ảnh: Đức Long
Doanh nghiệp chấp thuận 5/5 đề xuất của người lao động
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch CĐ Công ty Đại Dũng - cho biết, để chuẩn bị cho đối thoại, CĐCS đã ghi nhận ý kiến của các lao động nữ. Trong đó, các ý kiến tập trung 5 nhóm chính: Hỗ trợ tiền vệ sinh phí cho lao động nữ với mức 100.000 đồng/người/tháng; ngoài 5 lần nghỉ khám thai theo quy định, lao động nữ mang thai được nghỉ thêm 2 lần, mỗi lần 1 ngày, hưởng nguyên lương để đi khám thai; lao động nữ mang thai được nghỉ ăn trưa trước 10 phút so với thời gian làm việc chung; lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 2 ngày thứ Bảy mỗi tháng; công ty bố trí phòng và trang thiết bị vắt trữ sữa đạt chuẩn. Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ thêm 60 phút mỗi ngày để vắt sữa, ngoài thời gian nghỉ theo luật.
Sau quá trình đối thoại cởi mở và trách nhiệm, Ban tổng giám đốc công ty đã đồng thuận 5/5 nội dung. Riêng nội dung về hỗ trợ vệ sinh phí, doanh nghiệp chấp thuận mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/tháng (so với đề xuất 100.000 đồng).
Chị Nguyễn Thị Kim Dung, lao động nữ của Công ty Đại Dũng chia sẻ, buổi đối thoại diễn ra trong không khí rất cởi mở, chân tình và đạt kết quả tốt. Các đề xuất của người lao động đều được lãnh đạo công ty ghi nhận và đồng ý thực hiện ngay từ ngày 1.6.2025.
“Trước kia, chưa có buổi đối thoại này thì những ý kiến về vấn đề lớn của NLĐ chúng tôi đều thông qua CĐ. Nhưng tại đối thoại lần này, các tâm tư, nguyện vọng của NLĐ đều được giãi bày một cách thoải mái và chi tiết, trực tiếp để lãnh đạo doanh nghiệp lắng nghe, nắm bắt. Sau đối thoại, các lao động nữ của công ty ai cũng thấy rất phấn khởi. Chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều cuộc đối thoại như thế này hơn nữa”, chị Dung bày tỏ.
Ông Hùng cho biết thêm, hiện công ty có 379 lao động nữ. Ước tính mỗi năm công ty chi thêm khoảng 1,5 tỉ đồng để thực hiện kết quả đối thoại.
“Suốt quá trình thực hiện đối thoại, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của các cấp CĐ thông qua việc gửi các văn bản quy định của pháp luật, hướng dẫn của Tổng LĐLĐVN về tổ chức đối thoại, gặp gỡ trực tiếp CĐCS để nghe công tác chuẩn bị và góp ý, hướng dẫn về cách thức thực hiện, những lưu ý để đảm bảo đối thoại có hiệu quả tốt nhất”, ông Hùng nói.
Cán bộ công đoàn bản lĩnh, nhiệt tình, doanh nghiệp thiện chí
Bà Trần Thu Phương - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công, Tổng LĐLĐVN - cho biết, Bộ luật Lao động 2019 đã có hẳn một chương riêng quy định về lao động nữ. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra thực hiện pháp luật, chính sách tại các doanh nghiệp, cho thấy một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật đối với lao động nữ, chưa nói đến các quy định cao hơn luật.
Qua thực hiện kế hoạch cho thấy, hầu hết các cán bộ CĐCS đều rất nhiệt tình và bản lĩnh, ghi nhận được các tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Nhóm đại diện NLĐ mà cán bộ CĐ là nòng cốt khi trình bày tại đối thoại thì rất thẳng thắn, lập luận chặt chẽ, có lý, có tình, từ đó dễ thuyết phục được đại diện của NSDLĐ. Về phía doanh nghiệp cũng rất thiện chí để lắng nghe ý kiến từ NLĐ và CĐ. Kết quả là những chính sách theo quy định của pháp luật đều được các doanh nghiệp thực hiện ngay, còn những đề xuất của NLĐ cao hơn luật thì đều được NSDLĐ chấp nhận và cơ bản thực hiện hết.
“Trên cơ sở tổng kết kết quả rất thiết thực từ những buổi đối thoại trên, chúng tôi sẽ báo cáo với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN để ban hành hướng dẫn thực hiện trong cả nước để tăng thêm quyền lợi cho đoàn viên, NLĐ nói chung, nữ đoàn viên, NLĐ nói riêng”, bà Phương cho biết.
https://laodong.vn/cong-doan/5-de-xuat-cua-nguoi-lao-dong-duoc-doanh-nghiep-chap-thuan-1509424.ldo