Người lao động làm thủ tục liên quan bảo hiểm xã hội tại Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Hà Anh Chiến
Các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm trên 280 tỉ đồng
Thông tin từ Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, đến tháng 3.2025, vẫn còn 532 doanh nghiệp chậm đóng Bảo hiểm Xã hội (BHXH), Bảo hiểm Y tế (BHYT), Bảo hiểm Thất nghiệp (BHTN), Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) từ 3 tháng trở lên. Theo danh sách 532 đơn vị chậm đóng, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN là trên 280 tỉ đồng với tổng số 7.589 lao động.
Trong đó, Công ty CP Lilama 45-4 ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP Biên Hòa chậm đóng bảo hiểm kéo dài lên đến 125 tháng với số tiền gần 21 tỉ đồng; Trường Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn - Tân Phú chậm đóng bảo hiểm kéo dài 151 tháng với số tiền hơn 3,3 tỉ đồng…
Nhiều doanh nghiệp có hàng trăm lao động cũng chậm đóng bảo hiểm nhiều tháng như: Công ty TNHH Thương mại Quốc tế G.M ở Khu công nghiệp Tam Phước, TP Biên Hòa có 399 lao động nợ 5 tháng bảo hiểm với số tiền hơn 3,2 tỉ đồng; Công ty TNHH G.D cũng ở Khu công nghiệp Tam Phước, TP Biên Hòa có 509 lao động, nợ 7 tháng bảo hiểm với số tiền gần 6 tỉ đồng; Công ty CPSX và Đầu tư H.G ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch có 552 lao động, nợ 4 tháng bảo hiểm số tiền gần 4 tỉ đồng…
Đáng lưu ý, Công ty TNHH Hanul Line Việt Nam ở TP Long Khánh có khoảng 300 lao động, chậm đóng bảo hiểm với số tiền gần 48 tỉ đồng; Công ty CP Lilama 45-1 ở huyện Long Thành chậm đóng bảo hiểm 99 tháng với số tiền hơn 43 tỉ đồng.
Bà Trương Thị Bích Liên - Chủ tịch LĐLĐ TP Long Khánh - cho biết, các trường hợp doanh nghiệp chậm đóng BHXH trên địa bàn TP Long Khánh, công đoàn đang phối hợp địa phương triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên, người lao động.
Chậm đóng bảo hiểm, quyền lợi người lao động bị “treo”
Theo đại diện Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn - LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, việc công ty chậm đóng BHXH làm ảnh hưởng quyền lợi của người lao động khi các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh trong quá trình làm việc sẽ không được giải quyết. Khi người lao động tới công ty khác làm việc cũng sẽ không chốt được BHXH, quyền lợi bị “treo” và không được giải quyết các chế độ liên quan đến BHXH.
BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết, đã thường xuyên đôn đốc các đơn vị đóng tiền hằng tháng đúng kỳ hạn, cung cấp số tiền phải đóng và số chậm đóng tiền phát sinh hằng tháng cho từng đơn vị; chỉ đạo cán bộ chuyên quản thu bám sát các đơn vị được phân công phụ trách để nắm bắt tình hình hoạt động, đối chiếu số liệu, hướng dẫn trích nộp kịp thời, thực hiện gửi 2.081 lượt thông báo chậm đóng và lập biên bản làm việc đối với 42 đơn vị chậm đóng tiền BHXH.
BHXH tỉnh Đồng Nai đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố và sở ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị cố tình chậm hoặc trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Trước đó, tháng 2.2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã ban hành kế hoạch phát triển người tham gia BHXH năm 2025, yêu cầu đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành, tập trung vào doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, nợ đóng kéo dài.
Cùng với đó, cần tăng cường đối thoại, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ BHXH; đồng thời thống kê, rà soát lao động tại doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể để yêu cầu tham gia BHXH bắt buộc và vận động tham gia BHXH tự nguyện.
https://laodong.vn/cong-doan/500-doanh-nghiep-dong-nai-no-bhxh-hang-nghin-lao-dong-bi-anh-huong-1493608.ldo