Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, thị trường lao động tiếp tục đà phục hồi và phát triển theo chiều hướng bền vững, doanh nghiệp tập trung tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu sản xuất và kinh doanh mùa cao điểm cuối năm. Nhóm ngành như bán lẻ, dịch vụ và sản xuất tăng tốc tuyển dụng.
Trên địa bàn Hà Nội, riêng tháng 11.2024, các doanh nghiệp cần tuyển hơn 40.000 vị trí.
Dựa vào khảo sát 5.089 việc làm trống của 1.657 doanh nghiệp, các đơn vị tuyển dụng tập trung vào các nhóm ngành như bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo - xây dựng...
Doanh nghiệp tuyển lao động trình độ đại học trở lên chiếm 43,53% tổng nhu cầu tuyển dụng; sau đó là lao động phổ thông, công nhân kỹ thuật không có bằng, chứng chỉ nghề.
Về mức lương, các doanh nghiệp chủ yếu chi trả cho người lao động mức 5-10 triệu đồng. Đáng chú ý, có 15,55% doanh nghiệp trả mức lương 10-20 triệu đồng.
Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin 9.095 hồ sơ người tìm việc, mức lương mong muốn của người lao động chủ yếu là từ 5 đến 10 triệu đồng chiếm 65,15%, 10-20 triệu đồng chiếm 26,87%...
Người lao động tìm kiếm việc làm chủ yếu tập trung ở nhóm tuổi từ 35 trở lên chiếm 47,45%, trong khi ở nhóm tuổi 15-24 tuổi chiếm 7,82%.
Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người tìm việc tập trung chủ yếu ở nhóm chưa qua đào tạo với các công việc như công nhân sản xuất, nhân viên bán hàng...
“Kỳ vọng tăng trưởng đang dần chuyển từ các kịch bản khiêm tốn sang những kịch bản tích cực hơn. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam. Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế dựa trên ba trụ cột chính là xuất khẩu - tiêu dùng - đầu tư tạo động lực to lớn cho sự phục hồi của thị trường lao động Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Đặc biệt trong giai đoạn cuối năm các doanh nghiệp có xu hướng tăng cường tuyển dụng lao động nhằm phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh trong cao điểm lễ, Tết cuối 2024, đầu 2025”, ông Vũ Quang Thành nói.
Đánh giá về thị trường lao động cuối năm, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho rằng, trong điều kiện hiện nay, người lao động cần chủ động, tích cực đào tạo để nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc, đáp ứng sự đòi hỏi của thị trường lao động, trước hết là giữ chỗ làm việc và nâng cao vị trí việc làm ở tại nơi làm việc hoặc tìm được vị trí việc làm tốt hơn ở nơi khác, nghiên cứu các thông tin về thị trường lao động và đánh giá năng lực bản thân để xác định vị trí việc làm phù hợp.
Người sử dụng lao động cũng chủ động, quan tâm hơn nữa đến vấn đề đào tạo, đào tạo thường xuyên, đào tạo nâng cao cho người lao động, đồng thời có biệp pháp để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, chế độ đãi ngộ tốt, rõ ràng, minh bạch với người lao động...
“Các Trung tâm dịch vụ việc làm cần quan tâm nhiều đến thông tin thị trường lao động, nhất là công tác dự báo, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm... không chỉ đối với người lao động đang tìm việc làm, mà cả các người lao động đang làm việc, có biện pháp hỗ trợ lao động phi chính thức”, ông Trung nhấn mạnh.
https://laodong.vn/cong-doan/khat-lao-dong-doanh-nghiep-tra-luong-20-trieu-dongthang-1434996.ldo