Thời sự
Cập nhật lúc 04:36 26/12/2024 (GMT+7)
Bình Định đầu tư điện thoại vệ tinh để ứng phó thiên tai

Bình Định chi gần 900 triệu đồng để sắm 20 điện thoại vệ tinh chuyên dụng, nhằm đảm bảo liên lạc trong mọi tình huống khẩn cấp khi thiên tai xảy ra.

Bình Định đầu tư điện thoại vệ tinh để ứng phó thiên tai
Mưa lớn ngày 24, 25.11 khiến nhiều khu vực trên địa bàn huyện An Lão (Bình Định) ngập, sạt lở. Ảnh: Bá Huynh

Ngày 26.12, UBND tỉnh Bình Định cho biết, Chủ tịch tỉnh Phạm Anh Tuấn đã cho chủ trương mua sắm điện thoại vệ tinh chuyên dụng phục vụ công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Anh Tuấn giao Sở TTTT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức mua sắm, đảm bảo chất lượng và đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật. Việc này nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hiệu quả trong bối cảnh thiên tai xảy ra.

Tỉnh Bình Định sẽ mua 20 thiết bị với tổng kinh phí không quá 880 triệu đồng, sử dụng từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai của tỉnh.

Các thiết bị sẽ được phân bổ như sau: 4 máy tại UBND tỉnh; 2 máy tại Thường trực Tỉnh ủy; Công an tỉnh 1 máy; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh 1 máy; Sở NNPTNT 1 máy và 11 địa phương cấp huyện (mỗi địa phương 1 máy).

s
Một số khu vực tại huyện An Lão (Bình Định) ngập do mưa lớn vào tháng 11.2024. Ảnh: Thanh Thanh

Theo thống kê, Bình Định có hơn 400.000 hộ gia đình với hơn 1,47 triệu nhân khẩu được cập nhật trên phần mềm quản lý thiên tai của tỉnh. Trong đó, 281.465 người thuộc nhóm dễ bị tổn thương cần đặc biệt quan tâm khi xảy ra thiên tai.

Tỉnh có 159 xã, phường, thị trấn bị ảnh hưởng bởi gió bão; 25 xã, phường ven biển chịu tác động của nước biển dâng; 119 xã, phường bị ảnh hưởng bởi lũ, ngập lụt. Đặc biệt, có 15 khu vực nguy cơ sạt lở cao, tập trung tại các huyện Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Phù Cát và TP Quy Nhơn.

Trao đổi với Lao Động, ông Hồ Đắc Chương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho biết, vừa qua, bão số 3 - Yagi đã làm gián đoạn, tê liệt đường truyền, cản trở công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai của tỉnh đến các địa phương.

Theo ông Chương, việc đầu tư vào điện thoại vệ tinh xuất phát từ nhu cầu thực tế trong công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh.

"Trong trường hợp các trạm phát sóng hoặc cáp quang ngoài biển bị hư hỏng do bão, thì điện thoại vệ tinh là phương thức liên lạc an toàn và hiệu quả, bất kể điều kiện thời tiết khắc nghiệt," ông Chương cho hay.

Ông Chương cũng cho biết, trước đây, tỉnh phải thuê điện thoại vệ tinh từ các tập đoàn viễn thông để liên lạc và chỉ đạo trong các tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, việc thuê này có những hạn chế nhất định về số lượng và khả năng đáp ứng, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp.

Do đó, việc mua điện thoại vệ tinh là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Phòng chống thiên tai.

https://laodong.vn/xa-hoi/binh-dinh-dau-tu-dien-thoai-ve-tinh-de-ung-pho-thien-tai-1440902.ldo

Hoài Phương (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: