Bổ sung nguồn lực cải cách tiền lương từ thu ngân sách vượt dự toán
Chính phủ nêu rõ việc thu ngân sách vượt dự toán góp phần bù đắp số giảm thu, bổ sung nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023. Ảnh: Quochoi.vn
Chiều 16.5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, dự toán thu NSNN là 1.620.744 tỉ đồng; quyết toán là 1.770.776 tỉ đồng, tăng 150.032 tỉ đồng (9,3%) so với dự toán.
Trong đó, thu ngân sách Trung ương (NSTW) là 927.511 tỉ đồng, tăng 63.944 tỉ đồng (7,4%) so với dự toán; thu ngân sách địa phương (NSĐP) là 843.265 tỉ đồng, tăng 86.088 tỉ đồng (11,4%) so với dự toán.
Về quyết toán chi NSNN, dự toán là 2.076.244 tỉ đồng; quyết toán là 1.936.912 tỉ đồng, bao gồm số chi từ nguồn năm trước chuyển sang theo quy định; giảm 139.332 tỉ đồng (6,7%) so với dự toán.
Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, chính sách tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân.
Thu NSNN vượt dự toán góp phần bù đắp số giảm thu do thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đồng thời bổ sung nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương, bổ sung vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách về quốc phòng, an ninh.
Quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngay từ dự toán đầu năm và trong quá trình điều hành, ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển ngay từ khâu bố trí dự toán.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách. Đã quản lý, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay, trả nợ, bảo lãnh Chính phủ và vay về cho vay lại.
Dư nợ công, dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo quy định, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Báo cáo nêu rõ việc thu ngân sách vượt dự toán góp phần thực hiện cải cách tiền lương. Ảnh: Quochoi.vn
Về hạn chế, mặc dù thu NSNN về tổng thể vượt dự toán, nhưng một số khoản thu, sắc thuế và thu NSNN trên địa bàn một số địa phương đạt thấp so với dự toán.
Công tác triển khai dự toán chi NSNN có nơi, có lúc còn hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các nhiệm vụ NSNN; phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công ở một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn còn chậm, kéo dài.
Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính ở một số nơi còn chưa nghiêm. Một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương lập, xét duyệt, gửi quyết toán NSNN chậm so với quy định.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, số chuyển nguồn NSNN năm 2023 sang năm 2024 là 1.239.242 tỉ đồng, gồm NSTW là 411.992 tỉ đồng, NSĐP là 827.250 tỉ đồng.
Đến hết ngày 31.12.2023, số dư kinh phí cải cách tiền lương của NSTW là 149.208 tỉ đồng, trong đó số dư của các bộ, ngành là 70 tỉ đồng; số dư cải cách tiền lương của các địa phương là 387.186 tỉ đồng.
Tổng số thu hồi các khoản NSTW hỗ trợ địa phương năm 2023, năm 2022 trở về trước là 13.157 tỉ đồng.
https://laodong.vn/thoi-su/bo-sung-nguon-luc-cai-cach-tien-luong-tu-thu-ngan-sach-vuot-du-toan-1507814.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)