Thời sự
Cập nhật lúc 05:51 17/05/2025 (GMT+7)
Xử phạt không có biên bản dễ dẫn đến sự tùy tiện của cơ quan xử lý

Đại biểu cho rằng khi xử phạt vi phạm thì phải lập biên bản để chứng minh, nếu không có biên bản thì dễ dẫn đến sự tùy tiện của cơ quan xử lý.

Xử phạt không có biên bản dễ dẫn đến sự tùy tiện của cơ quan xử lý
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính cho rằng việc xử phạt vi phạm hành chính không có biên bản dễ dẫn đến sự tùy tiện. Ảnh: Phạm Đông

Quy định cụ thể về công tác kiểm tra, tránh trăm hoa đua nở

Chiều 16.5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn TPHCM) quan tâm đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Luật hiện hành quy định cụ thể các chức danh có thẩm quyền xử phạt. Tuy nhiên, thời gian qua do tác động của việc sắp xếp bộ máy thì các chức danh này đã có sự thay đổi.

Để linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, việc không quy định các chức danh cụ thể mà quy định theo hệ chức danh là phù hợp. Tuy nhiên, khi sắp xếp bộ máy của các cơ quan thanh tra theo hướng không còn thanh tra ở các bộ, các sở ngành dẫn đến việc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính sẽ phải thực hiện theo thẩm quyền cơ quan chuyên môn đang thực hiện.

Trong đó, các cơ quan sẽ thực hiện theo hình thức đi kiểm tra. Khi kiểm tra phát hiện vi phạm thì các cơ quan này có thể kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Theo đại biểu, kiểm tra là một trong những chức năng của cơ quan nhà nước nhưng trình tự thủ tục để tiến hành kiểm tra ra sao thì lại chưa rõ, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định chung. Nếu theo đề xuất mới, các cơ quan chuyên môn đều có chức năng đi kiểm tra trong lĩnh vực của mình.

Do vậy, việc thực hiện công tác kiểm tra phải có những quy định, tạo ra các hành lang pháp lý để đi vào nền nếp, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở".

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển. Ảnh: Phạm Đông
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển. Ảnh: Phạm Đông

Xử lý vi phạm dù lớn hay nhỏ đều cần phải có biên bản

Góp ý vào nội dung tăng mức xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) cho rằng cần hết sức thận trọng.

Khoản 1 Điều 56 quy định theo hướng tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (tăng 4 lần, từ 250.000 đồng lên 1.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng đối với tổ chức).

Theo đại biểu, có hai trường hợp xử lý hành chính không lập biên bản là cảnh cáo và phạt tiền. Về nguyên tắc, khi xử lý vi phạm thì phải lập biên bản để chứng minh hành vi vi phạm bởi nếu không có biên bản thì dễ dẫn đến sự tùy tiện của cơ quan xử lý.

Hơn nữa, trong trường hợp có khiếu nại của người bị xử lý thì sẽ thiếu căn cứ để xem xét. “Khi xử phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, người bị xử lý không đồng ý và khiếu nại mà cơ quan xử lý không có chứng cứ thì sao?”, đại biểu đặt vấn đề.

Hơn nữa, theo đại biểu, với nhiều người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, mức xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản với cá nhân lên tới 1 triệu đồng là rất lớn.

Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ và đề nghị nên yêu cầu tất cả các trường hợp xử lý vi phạm dù lớn hay nhỏ đều cần phải có biên bản.

Qua đó, tạo thuận lợi cho người có quyền xử lý và đáp ứng yêu cầu của người bị xử lý. Khi có khiếu nại, cơ quan cấp trên sẽ căn cứ vào biên bản, chứng cứ, tài liệu để thực hiện.

https://laodong.vn/thoi-su/xu-phat-khong-co-bien-ban-de-dan-den-su-tuy-tien-cua-co-quan-xu-ly-1507919.ldo

PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: