Làm rõ vì sao cùng lỗi giao thông nhưng mức phạt khác nhau theo địa bàn
Cùng một lỗi vi phạm giao thông nhưng ở Hà Nội và các thành phố trực thuộc Trung ương như Đà Nẵng, Huế... dự kiến sẽ có mức phạt cao hơn những địa phương khác.
Tiếp tục đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), tại cuộc họp tổ của Quốc hội chiều 16.5, đại biểu Trần Công Phàn - ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, ông cơ bản thống nhất với báo cáo của cơ quan thẩm tra dự án luật trên.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng còn một số ít nội dung cần làm rõ hơn. Trong đó, đại biểu nhấn mạnh về nội dung mức phạt tiền trên địa bàn Hà Nội và khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương tại dự thảo luật.
Theo đó, dự thảo Luật XLVPHC (sửa đổi) bổ sung quy định, đối với địa bàn Hà Nội và khu vực nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương (như TPHCM, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng...) thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường...
"Cùng một vi phạm mà ở Hà Nội và các thành phố trực thuộc Trung ương có mức phạt khác với các nơi khác. Việc này đòi hỏi phải nêu ra lý do, vì sao lại khác nhau như thế để cho thuyết phục", đại biểu Trần Công Phàn nêu.
Đại biểu Trần Công Phàn đề nghị làm rõ lí do có sự khác nhau về mức xử phạt vi phạm. Ảnh: Tô Thế
Cùng nội dung trên, đại biểu Đỗ Đức Hiển - ĐBQH TPHCM cho rằng, hiện nay do việc sắp xếp bộ máy và đơn vị hành chính quy định và khái niệm nội thành rất khó xác định.
"Điển hình như Luật Thủ đô trước đây quy định nội thành là các quận của Hà Nội. Hay như khi TPHCM sáp nhập với Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương thì xác định nội thành như thế nào là chưa rõ", đại biểu Đỗ Đức Hiển nêu.
Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo không quy định nội dung này, chỉ áp dụng cho Hà Nội, không mở rộng ra các thành phố khác. Nội dung này chỉ nên được xem xét khi rà soát, đánh giá khi việc sắp xếp tổ chức bộ máy đã ổn định.
Cũng tham gia góp ý về dự thảo Luật XLVPHC (sửa đổi), đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - ĐBQH tỉnh Yên Bái đánh giá, việc bổ sung, chỉnh lý dự thảo Luật lần này cần chú trọng hơn đến yếu tố công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi người dân, và đặc biệt là khả năng thực thi của đội ngũ cán bộ trong điều kiện thực tế.
Về ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm hành chính, đại biểu đề nghị cần làm rõ nguyên tắc sử dụng dữ liệu số.
Theo đại biểu, nếu không làm rõ, có thể phát sinh tranh chấp về hiệu lực pháp lý của chứng cứ điện tử, trách nhiệm bảo mật, quy trình đảm bảo tính hợp lệ của việc lập biên bản, ra quyết định xử phạt.
"Hiện áp dụng hệ thống camera giám sát giao thông nhưng người dân còn hoài nghi về việc dữ liệu bị can thiệp. Nếu không có quy định chặt chẽ, người dân có thể mất niềm tin vào hệ thống xử phạt tự động", đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh nêu ý kiến.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị làm rõ nguyên tắc sử dụng dữ liệu số trong xử phạt vi phạm giao thông. Ảnh: Tô Thế
Đại biểu cũng cho rằng, hiện không có cơ chế giám sát tiến độ hoặc lý do chậm trễ trong việc xác minh tình tiết của việc vi phạm hành chính (quy định tại Điều 59 của Luật).
Theo đại biểu, thời gian qua, nhiều vụ việc bị kéo dài hàng tháng vì “đang xác minh tình tiết”, ảnh hưởng đến quyền lợi người bị xử lý, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường, gây thiệt hại về kinh tế.
Do đó, đại biểu đề nghị việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải trong thời hạn cụ thể về ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản. Trường hợp cần thiết, phải có văn bản gia hạn nêu rõ lý do và có giới hạn ngày làm việc.
https://laodong.vn/thoi-su/lam-ro-vi-sao-cung-loi-giao-thong-nhung-muc-phat-khac-nhau-theo-dia-ban-1507893.ldo
TÔ THẾ (BÁO LAO ĐỘNG)